Xây dựng và phát triển giao thông nông thôn: Những cây cầu “kiệt sức”

Thứ Tư, 14/09/2016 | 15:40

Cùng với những khó khăn, vất vả vì chưa có đường giao thông, ở nhiều nơi, người dân cứ nơm nớp lo sợ vì đi lại trên những chiếc cầu xuống cấp, hư hỏng. Nhiều chiếc cầu trở nên quá tải và gần như kiệt sức vì không được đầu tư nâng cấp hoặc chỉ sửa chữa theo kiểu chắp vá.

Cần “khai tử” cầu xuống cấp

Có những chiếc cầu đã xuống cấp hàng chục năm và gần như không còn sức để cõng con người khi chân cầu, thân cầu, mố cầu đều đã trải qua bao lần sửa chữa tạm bợ. Đơn cử như Cầu Trắng, bắc qua 2 bờ sông tại ngã tư Tây Ký (ấp Cầu Đỏ, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân). Cây cầu này đã có mặt ở đây gần 20 năm và cũng là cây cầu duy nhất dẫn vào khu dân cư ấp Cầu Đỏ. Nhiều người dân quen gọi là cầu “tử thần”, bởi cầu đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm qua và đáng lẽ ra phải được khai tử để đầu tư xây mới.

Người dân phải qua sông bằng đò sau khi cầu Khâu 2 (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) bị tháo dỡ do xuống cấp.

Cầu Trắng (ấp Cầu Đỏ, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: P.Đ

Có thể kể sơ về hiện trạng Cầu Trắng: Phần mố cầu đã bị dòng nước cuốn trôi từ lâu và phải lót tạm bằng cây gỗ; nhịp giữa cầu hư hỏng hoàn toàn, phải dùng cây để chắp nối với những đoạn bê-tông còn sót lại; toàn bộ trụ cầu bị nứt, có trụ gần như bị mất đi một nửa và có thể gãy sập bất cứ lúc nào… Vì vậy, mỗi khi người dân đi qua cây cầu này đều phải nín thở vì cầu cứ đong đưa như đánh võng. Song, biết phải làm sao hơn vì đây là cây cầu duy nhất của khu dân cư nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Đơ (ấp Cầu Đỏ) bức xúc nói: “Tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn đau lòng xảy ra tại cây cầu này. Mới đây, cháu tôi đi qua cầu không may bị rơi xuống sông, nếu tôi không nhảy xuống cứu kịp thì có lẽ cháu đã mất mạng. Điều đáng nói là vẫn còn nhiều người già và học sinh hằng ngày phải qua lại trên cây cầu này. Người dân ở đây luôn lo sợ vì không biết bao giờ cầu sập”. Cầu Trắng ở huyện Hồng Dân chỉ là một trong nhiều cây cầu của tỉnh bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được đầu tư xây mới.

Tháo dỡ cầu, người dân lụy đò

Những chiếc cầu bị xuống cấp sẽ gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, muốn “khai tử” một cây cầu lại không phải là chuyện dễ (nhất là do không có vốn đầu tư xây cầu mới). Vì khi tháo bỏ một cây cầu, cũng đồng nghĩa với việc làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của hàng trăm hộ dân. Như mới đây, chính quyền xã Long Điền Tây (huyện Đông Hải) đã phải tháo dỡ cầu Khâu 2. Theo người dân địa phương, cây cầu này đã có gần 20 năm nay và trong tình trạng xuống cấp, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông nên phải tháo dỡ. Tuy nhiên, từ ngày không còn cầu, người dân đã phải lụy đò và cuộc sống gần như bị xáo trộn vì giao thông ách tắc.

Anh Lê Thanh Hùng, chủ đò bến phà Khâu 2, cho biết: “Mỗi ngày có từ 300 - 400 lượt khách qua đò, đó là chưa kể hơn 4 chiếc phà chở học sinh qua sông miễn phí. Cầu Khâu 2 nằm gần trạm y tế nên nhu cầu đi lại khám chữa bệnh của người dân khá nhiều. Bây giờ cầu bị tháo dỡ, việc đi lại của bà con rất bất tiện. Người dân trông chờ xây chiếc cầu mới, nhưng không biết đến bao giờ  mới có?”.

Hiện nay, nhiều vùng nông thôn vẫn còn tồn tại tình trạng cầu khỉ, cầu tự chế và gần như không tránh khỏi cảnh lụy đò. Do đó, xây dựng cầu giao thông nông thôn (GTNT) là rất cần thiết. Điển hình như ở huyện Đông Hải, với địa hình nhiều kênh rạch chằng chịt, nên cùng với việc làm đường GTNT thì không thể không xây cầu. Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng Đông Hải, huyện cần được đầu tư xây 44 cây cầu GTNT, ước tính tổng vốn đầu tư hơn 6,6 tỷ đồng. Thế nhưng, huyện lại không có nguồn vốn!

Việc thiếu vốn hoặc không có vốn trong đầu tư xây dựng cầu GTNT đã đặt các địa phương vào cảnh khó khăn. Bởi, nếu tháo bỏ cầu cũ thì không có tiền xây mới! Còn  cứ để những cây cầu xuống cấp tồn tại và duy tu theo kiểu chắp vá thì gây nguy hiểm cho người dân. Điều đáng trăn trở là làm sao một địa phương có thể đủ sức xây lại hàng chục cây cầu mới (thay thế cầu xuống cấp) trong điều kiện vốn đầu tư xây cầu GTNT hàng năm gần như không có. Song, dù có khó khăn, các địa phương cũng phải tranh thủ và huy động nguồn lực để làm cầu. Bởi, nếu không có cầu sẽ làm ảnh hưởng đến sinh kế, việc đi lại, và quan trọng hơn là gây nguy hiểm đến tính mạng người dân.

P. Đoàn - K. Trung

Để phát triển hạ tầng GTNT cho các địa phương xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm qua, Bạc Liêu đã đầu tư hơn 961 tỷ đồng để phát triển GTNT. Qua  đó, giúp cứng hóa hơn 1.360km cầu, đường GTNT (gồm: đường xã, ấp, ngõ xóm và trục chính nông thôn…). Riêng huyện Phước Long, trong 5 năm qua đã xây dựng 183 cây cầu bê-tông với mặt cầu rộng 3,5m, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân.

Tuy nhiên, việc xây dựng cầu GTNT hiện nay gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, nhất là các xã đặc biệt khó khăn và xã bãi ngang khu vực ven biển Bạc Liêu. Tính riêng các xã bãi ngang, xã đặc biệt khó khăn, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển GTNT hơn 458,25 tỷ đồng.

Để phát triển GTNT, nhất là ưu tiên đầu tư xây dựng cầu cho những tuyến dân cư bức xúc, Bạc Liêu đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư các công trình cầu như: cầu Hai Ngươn (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi); cầu Ba Khanh (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi); cầu Đầu Sấu Tây (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân); cầu Ba Xe và cầu 3.000 (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân)…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.