Lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc: Những “con sâu làm rầu nồi canh”

Thứ Sáu, 23/09/2016 | 15:15

Không chỉ riêng Bạc Liêu mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước đều có lao động cư trú bất hợp pháp (LĐCTBHP) tại Hàn Quốc. Điều này dẫn đến hệ lụy khi phía Hàn Quốc phải ngưng nhập khẩu lao động Bạc Liêu nhiều năm liền.

Người lao động đăng ký các chương trình hỗ trợ giải quyết việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh. Ảnh: T.Đ

Hám lợi, bất chấp…

Theo số liệu từ Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, Bạc Liêu có 601 lao động (LĐ) được đưa sang làm việc tại Hàn Quốc theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó, đứng đầu là huyện Đông Hải với 189 LĐ, kế đến là TX. Giá Rai: 154 LĐ, huyện Hòa Bình: 123 LĐ, TP. Bạc Liêu: 49 LĐ; hai huyện Phước Long và Vĩnh Lợi, mỗi địa phương 38 LĐ, còn lại là 10 LĐ của huyện Hồng Dân. Theo thống kê, Đông Hải cũng là địa phương đứng đầu danh sách về LĐCTBHP tại Hàn Quốc: 40 người, kế đến là TX. Giá Rai: 19 người, Hòa Bình 15 người…, nâng tổng số “lao động chui” của toàn tỉnh lên 89 người.

Hợp đồng lao động tại Hàn Quốc có thời hạn 5 năm. Lao động Bạc Liêu xuất sang Hàn Quốc chủ yếu làm nghề chế tạo máy, cơ khí (gò, hàn…) và một số ít làm nghề nông nghiệp, đánh bắt gần bờ… Tuy nhiên, khi hết hạn hợp đồng, lẽ ra lao động phải trở về nước theo đúng cam kết để tạo điều kiện cho người khác cùng có cơ hội như mình được lao động tại Hàn Quốc. Hoặc nếu như người lao động (NLĐ) trong suốt thời gian ở Hàn Quốc chỉ làm việc cho một chủ sở hữu lao động, được chủ sử dụng tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng thì sau khi về nước sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục cần thiết để tiếp tục quay lại nơi cũ của mình sau thời gian 3 tháng, kể từ ngày về nước. Thế nhưng, những người này đã không tuân thủ quy trình như vậy, sau khi mãn hợp đồng họ đã cố tình ở lại Hàn Quốc và trở thành lao động bất hợp pháp, hay còn gọi là “lao động chui”.

Lý do khiến số lao động này bất chấp quy định pháp luật bởi vì thu nhập ở Hàn Quốc cao hơn Việt Nam gấp nhiều lần, bình quân mỗi lao động có thu nhập từ 27 - 30 triệu đồng/tháng. Do đó, mặc dù làm việc trong điều kiện cực nhọc, không được bảo hộ về mặt pháp lý hay bất cứ quyền lợi gì, nhưng chính sự hấp dẫn về thu nhập đã đẩy họ rẽ sang đường cư trú bất hợp pháp, trở thành “lao động chui”. Đáng chú ý, có người đã quá hạn hợp đồng lao động từ 2 năm trở lên.    

Kiên quyết xử lý nghiêm

Ông Nguyễn Văn Tươi - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết, hậu quả của tình trạng LĐCTBHP đã khiến phía Hàn Quốc phải ngừng nhập khẩu lao động của Bạc Liêu từ đầu năm 2012 đến nay. Nhưng nhờ cam kết mạnh mẽ từ phía Chính phủ cũng như các ngành chức năng của tỉnh, bằng mọi cách phải đưa số “lao động chui” về nước nên Chính phủ Hàn Quốc mới đồng ý nối lại chương trình xuất khẩu lao động của Bạc Liêu. Hiện đơn vị đang xúc tiến các thủ tục xuất cảnh cần thiết cho 61 ứng viên xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.

Được biết, để đề phòng tình trạng “lao động chui” tái diễn, Chính phủ đã ban hành nghị định thực hiện thí điểm ký quỹ đối với NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc với số tiền 100 triệu đồng/lao động. Theo đó, nếu lao động chấp hành đúng hợp đồng và về nước đúng hạn thì sẽ được trả lại toàn bộ tiền ký quỹ (kể cả tiền lãi). Còn nếu về nước trước hạn do vi phạm hợp đồng; hay bỏ trốn khỏi nơi làm việc; hoặc hết hạn hợp đồng nhưng không về mà ở lại cư trú, làm việc trái phép thì NLĐ sẽ mất toàn bộ tiền ký quỹ.     

Là đơn vị có số LĐCTBHP tại Hàn Quốc nhiều nhất tỉnh, ông Trương Quốc Lâm, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Hải, cho biết các quyết định xử phạt và mọi thông báo kêu gọi lao động về nước đã được huyện triển khai đến gia đình NLĐ. Người thân của những lao động này cũng đã cam kết sẽ kêu gọi con em mình về nước. Tuy nhiên, cái khó hiện nay theo phản ánh từ phía gia đình NLĐ là chính các chủ sử dụng lao động tại Hàn Quốc cũng đã “tiếp tay” bằng cách giấu giếm số “lao động chui” mỗi khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, để lao động Việt Nam có thể ở lại tiếp tục làm việc cho họ. Ông Lâm khẳng định dù có khó khăn nhưng huyện vẫn quyết tâm thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện cho người khác cùng có cơ hội tham gia chương trình xuất khẩu lao động này.

TẤN ĐẠT

Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai đến tận gia đình người lao động 18 quyết định của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc về xử phạt vi phạm hành chính do ở lại Hàn Quốc trái phép, mỗi lao động bị phạt 90 triệu đồng. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn có quy định ân hạn, nếu đến hết ngày 30/9/2016 mà tất cả số “lao động chui” trở về nước thì sẽ được xóa bỏ mọi hình thức xử phạt.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.