Giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ: Bắt nguồn từ chiếc nôi gia đình

Thứ Hai, 26/09/2016 | 15:46

Gia đình là xã hội thu nhỏ, là tế bào của xã hội. Nói như thế để thấy vai trò của gia đình trong xã hội ngày nay, đặc biệt là vấn đề giáo dục đạo đức cho con cái.

Đạo đức, nhân cách của con trẻ bắt nguồn từ chiếc nôi gia đình (ảnh minh họa). Ảnh: N.V

Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường, bạo lực ở tuổi vị thành niên ngày càng tăng. Sau những câu chuyện đau lòng và đáng buồn như vậy, đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong các vụ việc này? Vai trò và trách nhiệm giáo dục của gia đình, nhà trường và rộng hơn là của xã hội ở đâu? Tại sao các em lại hành xử như vậy? Tại sao bạn bè các em lại có thái độ thờ ơ, thậm chí cổ vũ, quay video để tung lên mạng?...

Đã đến lúc nhìn lại thực trạng giáo dục đạo đức và đến lúc cha mẹ phải quan tâm hơn, có trách nhiệm hơn trong việc giáo dục con cái. Song, đó chỉ là những lúc rộ lên những video, những trường hợp bị bạo lực. Còn sau đó đâu lại vào đấy. Và cuối cùng, người chịu nhiều đau khổ, thương tâm vẫn là những nạn nhân của bạo lực học đường.

Giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ đang là một trong những vấn đề cấp bách của xã hội. Nhà trường và xã hội không thể làm hết, làm thay trách nhiệm của những bậc sinh thành trong việc giáo dục đạo đức cho con cái. Do đó, gia đình - đặc biệt là cha mẹ, phải nhận thấy vai trò và trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài một bộ phận phụ huynh biết cách giáo dục và uốn nắn con cái trở thành những con ngoan, trò giỏi, thì còn không ít phụ huynh có những quan điểm và lối giáo dục chưa đúng đắn, chưa phù hợp.

Có thể dễ dàng nhận thấy, với việc coi nhẹ giáo dục đạo đức cho con cái, nuông chìu con thái quá, bao che những lỗi lầm của con… là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc sa sút trong lối sống đạo đức của học sinh. Cách giáo dục này dẫn tới việc các em trở nên không vâng lời, hay nói dối cha mẹ, thiếu ý thức tôn trọng thầy cô, kỷ luật nhà trường, thiếu ý thức sống tôn trọng và làm theo pháp luật. Được người lớn nuông chìu, “bao che”, các em thể hiện bản thân một cách quá đáng, quan hệ yêu đương quá sớm và không lành mạnh. Được cha mẹ đáp ứng mọi nhu cầu, các em đề cao giá trị vật chất, lối sống hưởng thụ.

Từ tầm quan trọng, ảnh hưởng của gia đình với việc hình thành đạo đức, lối sống cho giới trẻ, ngày 2/3/2009, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ban hành Quyết định số 798/QĐ-BVHTTDL về việc triển khai xây dựng Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, chú trọng việc đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về vai trò, vị trí, ý nghĩa của đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; về vai trò của các tổ chức, lực lượng xã hội, của gia đình, các thành viên trong gia đình đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho các gia đình, các thành viên trong gia đình về pháp luật, chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững. Đặc biệt là đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình; thường xuyên nêu gương người tốt việc tốt, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.

Trong khi nhà trường và xã hội đang loay hoay tìm lời giải về vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh, trách nhiệm của gia đình càng trở nên hết sức quan trọng. Các bậc phụ huynh phải thấy rằng: trách nhiệm và bổn phận của mình trong việc xây dựng một nền tảng đạo đức cho con cái là hết sức cần thiết!

THANH VY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.