Phóng sự - Ký sự

Cha mẹ già như chuối chín cây…

Thứ Sáu, 30/09/2016 | 16:02

Đi làm về, thấy cha mẹ mỗi người một chai dịch truyền, chị Thảo Anh cảm thán trên Facebook “(Cha) Mẹ già như chuối chín cây. Gió lay (cha) mẹ rụng, con phải mồ côi…”. Với những đứa con, cha mẹ già là khi cha mẹ bị những căn bệnh của tuổi già quật ngã!

Chuyện bệnh của người già
Cuối tháng 9, Khoa Nội - Tim mạch - Lão khoa (Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu) đang trong tình trạng quá tải. Người bệnh kín hết các phòng bệnh, nằm ra ngoài cả hành lang. Không ồn ào tiếng khóc, không tiếng người lao xao như khi còn “chia tầng” với Khoa Nhi, Khoa Nội - Tim mạch - Lão khoa chìm trong không gian khá im ắng. Người không có giường phải nằm ngoài hành lang cũng lặng lẽ, không chút gì như khó chịu. Dân gian nói “Một người già bằng ba trẻ nhỏ”, nhưng chắc chắn cơ thể người già không phải là “trẻ nhỏ lâu năm”. Bác sĩ Trần Quốc Lợi, Trưởng khoa Nội - Tim mạch - Lão khoa bắt đầu câu chuyện với chung tôi bằng câu than thở: “Sao mấy hôm nay bệnh nhiều quá. Biên chế là 115 giường mà bệnh nhân có khi lên tới trên 130, còn thường xuyên là trên dưới 120 bệnh nhân”. Quả là mấy ngày “trái gió trở trời” này, người già dễ trở bệnh. Theo thống kê của ngành Y tế thì người già thường mắc các bệnh như: bệnh về tim mạch (xơ vữa động mạch, thiểu năng mạch vành, tăng huyết áp); bệnh về hệ hô hấp (viêm họng, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, âm phế mạn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính); bệnh về đường tiêu hóa, hệ tiết niệu - sinh dục, hệ xương khớp, hệ thần kinh trung ương... Như một cỗ máy đã chạy lâu ngày, đến lúc rệu rã thì cũng là lúc những căn bệnh ập tới. Bác sĩ Trần Quốc Lợi cho biết, những khi thời tiết đổi mùa hoặc khi mưa nắng thất thường thì người già thường bệnh nhiều. Có những người cứ ra vào viện suốt đến nỗi đọc tên là bác sĩ nhớ ngay. Có những người nằm cả tháng trong bệnh viện mới được về vì người già thường mắc nhiều bệnh cùng lúc, nào tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, nam giới cao tuổi thì hay bệnh u xơ tiền liệt tuyến…
Người cao tuổi dễ bệnh, chăm sóc người cao tuổi bị bệnh thì lại không dễ. Bác sĩ Trần Quốc Lợi thường lưu ý với thân nhân người bệnh khi chăm sóc ở nhà phải cẩn thận từng chút, chỉ một chút sơ sẩy là người già có thể té ngã dẫn đến gãy xương tay, xương đùi. Còn tâm lý người bệnh cao tuổi là sợ cô đơn, sợ những sơ suất nhỏ nhất trong việc điều trị. Vì vậy uống viên thuốc thì phải đúng tên biệt dược mà bác sĩ đã cho toa, nếu khác tên mà cùng chung tác dụng thì cũng coi như… không có tác dụng gì! 

Hội LHPN TP. Bạc Liêu phối hợp với Bệnh viện Y dược học TP. HCM khám và cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi xã Hiệp Thành (Trong ảnh: Đo loãng xương cho người cao tuổi). Ảnh: N.Q

 

Khi cha mẹ bệnh
Trở lại câu chuyện của những đứa con. Từ ngày phát hiện cha mắc bệnh hiểm nghèo, anh em chị Thảo Anh luôn sống trong nỗi ám ảnh cha sẽ ra đi vào bất kỳ lúc nào. Những đứa con thường ngày luôn biện hộ rằng phải lo cho con nhỏ hay bận túi bụi công việc cơ quan mà không nhận thấy triệu chứng căn bệnh hiểm nghèo ấy đã có từ lâu, nay phải sống trong nỗi ân hận “phải chi phát hiện bệnh của cha sớm hơn”. Những phương pháp điều trị - Tây y có, Đông y có, được những đứa con vội vã tìm đến. Nhưng sức khỏe của người cha ở tuổi 80 đã yếu đi mỗi ngày, nên dù đã cố giữ vẻ bình thường như không có gì xảy ra nhưng trong mỗi đứa con, dự cảm về một ngày không còn cha trên đời luôn vẫn chập chờn trong suy nghĩ qua từng ngày. Điều làm họ thấy day dứt nhất chính là đến khi này, họ mới biết rằng mình đã làm quá ít điều cho cha, họ đã chẳng mang được nhiều thành tích về để khoe cha, trong khi thời gian thì chẳng chịu dừng lại một giây phút nào…
Một câu chuyện khác. Cha anh Xuân Hải là một cựu chiến binh. Người đã từng ròng rã hàng tháng trời vượt Trường Sơn trở về miền Nam để chiến đấu, từng sống và hoạt động trong rừng những năm tháng gian khổ nhất, lại sống rất điều độ, chuẩn mực, bỗng một ngày ngã quỵ vì cơn tai biến bất ngờ. Từ một người minh mẫn, sống thâm trầm nhưng rất sâu sắc, ông như một đứa trẻ sau cơn bạo bệnh dù đã được cấp cứu kịp thời và qua cơn nguy kịch: nói năng không rành mạch, đi đứng chậm chạp, ăn - ngủ là chính. Mấy đứa con cháu trong nhà bỗng cảm thấy hụt hẫng, giống như cha đã đi đâu đó xa lắm dù bóng cha chỉ quẩn quanh trong nhà.
Ai rồi cũng đến lúc thấy cha mẹ già, cũng nhận ra hoàn cảnh mồ côi đang hiển hiện dần khi những căn bệnh mãn tính đang rút dần sinh lực những thân cò ốm yếu vốn đã dành cả một đời đã lặn lội vì con. Như những ngọn nến leo lét trước gió, cha mẹ già có thể ra đi mãi mãi bất cứ khi nào bởi những căn bệnh già kéo dài hay chỉ một cơn nhồi máu cơ tim đột ngột. Nhưng với những đứa con, khi cuộc sống cứ tất bật với chuyện cơm áo, khi những mối quan hệ bên ngoài đang chi phối một cách mạnh mẽ thì việc nhận ra cha mẹ đã già, buồn thay, lại luôn rất muộn. Dẫu mái tóc bắt đầu bạc, dẫu những bước đi không còn mạnh mẽ nữa, những đứa con vẫn không thừa nhận cha mẹ họ đã già vì cha mẹ vẫn phải còn ở đó, còn trông cửa khi họ về khuya, còn la mắng khi họ khệnh khạng về trong cơn say, còn phải giúp họ trông chừng con nhỏ. Và khi cha mẹ già, tức là khi bị bệnh già, thì mọi chuyện dường như đã nặng nề hơn rồi!
Tôi đã xin phép một người bạn để trích đoạn nhật ký của anh khi nuôi cha già bị bệnh để làm đoạn kết. Đoạn nhật ký đã từ rất lâu, bây giờ cha anh cũng đã mất, nhưng có lẽ với những ai có cha mẹ già, nó sẽ để lại nhiều tâm tư “…21 giờ khuya. Lần mổ này sức khỏe ba tôi yếu hơn 2 lần trước. Ông nằm đó, im lìm, lặng lẽ… Những lúc khỏe, ông nói về tương lai của tôi. Căn bệnh ngặt nghèo mà y học đương thời còn chịu bó tay, có lẽ rồi nó sẽ lôi ba tôi đi. Ông cảm nhận được điều ấy… Ba tôi có lẽ đã nghĩ đến lúc mà ông bỏ chúng tôi. Thế đấy. Có những người đã biết trước và chủ động đón chờ giây phút ra đi của mình… Một người làm cha đang nghĩ đến những đứa con của mình, lo lắng và hy vọng…”.
Lâm Anh

Trong kết quả bảng tuổi thọ các nước của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thực hiện, người Việt Nam đứng thứ 56 trong tổng số 138 nước, đạt tuổi thọ trung bình 75,6 tuổi. Còn theo thống kê của Việt Nam, tuổi thọ trung bình của người miền Đông Nam bộ là 75,7, cao nhất nước; còn người dân Tây nguyên có tuổi thọ bình quân 69,5, thấp nhất Việt Nam.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.