Cần xử lý nghiêm hành vi gọi điện quấy phá các số máy khẩn cấp

Thứ Hai, 10/10/2016 | 15:42

Hành vi gọi điện vào các số máy khẩn cấp (113, 114, 115) để quấy phá, báo tin giả xảy ra khá thường xuyên. Tuy nhiên, giải pháp để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng này vẫn chưa có.

Việc quấy phá số máy 114 có thể làm Cảnh sát PCCC xuất xe chậm khi có cháy nổ thật.  Ảnh: N.Q

Các số điện thoại nêu trên được Nhà nước lập ra để tiếp nhận các thông tin khẩn trên lĩnh vực y tế và an ninh trật tự. Các số này dễ nhớ, gọi miễn phí và luôn có nhân viên túc trực tiếp nhận thông tin 24/24. Ấy vậy mà, có nhiều đối tượng lại gọi vào những số máy này để quấy phá, trêu chọc, báo tin giả, thậm chí là xúc phạm người trực máy. Theo ông Bùi Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở TT&TT, tình trạng này khó xử lý dứt điểm do việc quản lý Sim trả trước lỏng lẻo.

Tại phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) - Công an tỉnh, các cán bộ, chiến sĩ trực máy 114 đôi khi cảm thấy rất bức bối, bởi số lượng tin báo cháy có thật thì ít so với các cuộc gọi đến để bông đùa, giễu cợt. Có đêm trực, đơn vị tiếp nhận gần 20 cuộc gọi báo tin giả. Có người còn cài chế độ gọi tự động để gọi, thậm chí yêu cầu người trực phải nạp tiền điện thoại thì họ mới thôi gọi phá. Thượng tá Nguyễn Văn Tám, Phó trưởng phòng PCCC&CNCH, cho biết hành vi này gây nghẽn đường dây, làm chậm việc xuất xe vì lực lượng phải mất thời gian xác minh tin báo thật hay giả. Như trường hợp nhà chị Linh (phường 5, TP. Bạc Liêu), sau khi báo cháy khá lâu, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp mới đến hiện trường.

Lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh (113) và số máy gọi xe cấp cứu (115) cũng chung cảnh ngộ. Theo một điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân càng được đưa đến cơ sở y tế sớm thì cơ hội điều trị lành bệnh, giảm nhẹ tổn thương càng lớn. Thế nhưng, khi có người gọi đến, nhân viên trực máy phải xác minh lại, vì đã có trường hợp xe cứu thương đến nơi đành trở về mà không có bệnh nhân. Hành vi gọi điện phá rối này vô tình đã cướp đi cơ hội sống của những người có nhu cầu xe cấp cứu.

Các đối tượng gọi để quấy phá đa phần sử dụng thuê bao trả trước. Các đơn vị quản lý số máy khẩn cấp thông báo đến nhà cung cấp dịch vụ viễn thông về những số điện thoại thường xuyên gọi phá. Song, theo Thượng tá Nguyễn Văn Tám, tổng đài cho biết các số này không còn đăng ký nữa. Gọi phá số máy 114 phần nhiều là thuê bao mạng Viettel. Lãnh đạo Viettel Bạc Liêu cho biết, tên họ chủ thuê bao số điện thoại thuộc về bí mật khách hàng, Giám đốc Công an tỉnh phải có văn bản yêu cầu thì doanh nghiệp mới cung cấp.

Còn ông Lý Đạt Tài, Phó Giám đốc Viễn thông Bạc Liêu, cho hay đơn vị này đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ công an tìm ra các số điện thoại đó để chấn chỉnh. Nếu số điện thoại nào vi phạm nhiều lần thì sẽ bị khóa.

Thiết nghĩ, để hạn chế, dần tiến tới chấm dứt hành vi gọi phá số máy khẩn cấp, đơn vị quản lý số máy và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cần phối hợp chặt chẽ với nhau. Sở TT&TT sẽ mời doanh nghiệp viễn thông đến làm việc nếu có đề nghị của cơ quan sở hữu số khẩn cấp. Cùng với đó, nhà cung cấp dịch vụ cũng phải làm tròn trách nhiệm quản lý thuê bao trả trước, tránh trường hợp Sim “rác” tràn lan.

NGUYẾN QUỐC

Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi báo thông tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

 

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.