Doanh nghiệp Bạc Liêu: Vì sao yếu và thiếu?

Thứ Tư, 19/10/2016 | 15:04

Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh nhà đã và đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều doanh nghiệp bị phá sản. Đồng thời chương trình khởi nghiệp do Chính phủ phát động sẽ khó có đất “dụng võ” nếu như Bạc Liêu không mạnh dạn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém vốn trở thành hòn đá tảng kìm hãm sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân lâu nay.

Chế biến thủy sản xuất khẩu - một trong những thế mạnh của doanh nghiệp Bạc Liêu. Trong ảnh: Chế biến tôm tại Công ty Xuất khẩu Việt Cường (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

Sản xuất bao bì tại khu công nghiệp Trà Kha (phường 8, TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Tính đến tháng 9/2016, Bạc Liêu có khoảng 1.920 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 15.400 tỷ đồng. Thế nhưng, chỉ có 25 doanh nghiệp được xếp vào nhóm doanh nghiệp lớn có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,3%, còn lại là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ với bình quân vốn đăng ký chỉ khoảng 8 tỷ đồng/doanh nghiệp. Đặc biệt, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngày càng nhiều thêm và số vốn đăng ký kinh doanh trong 9 tháng qua cũng giảm xuống còn khoảng 2,6 tỷ đồng/doanh nghiệp, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2015.

Điều đáng quan tâm là trong khi các tỉnh, thành phố khác trong cả nước hưởng ứng chương trình khởi nghiệp của Chính phủ phát động, số doanh nghiệp không ngừng được phát triển về quy mô, chất lượng với hơn 81.450 doanh nghiệp được thành lập mới trong 9 tháng của năm 2016 (tăng trên 19% so với cùng kỳ năm 2015), thì tại Bạc Liêu, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới đến nay tăng  rất chậm, bên cạnh số doanh nghiệp khác lại giảm. Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng qua chỉ có 184 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 521 tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm 25% về số doanh nghiệp và giảm 15,34% vốn đăng ký. Đáng báo động là số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả của tỉnh ngày càng nhiều. Theo thống kê của UBND tỉnh, năm 2015 chỉ có 1.344/1.875 doanh nghiệp quyết toán thuế năm 2015, còn lại hơn 530 doanh nghiệp không biết tình trạng hoạt động ra sao! Trong đó, có đến 273 doanh nghiệp đã báo lỗ với tổng số tiền 169 tỷ đồng. Đến nay, cơ quan thuế đã phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách nhiều doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. Riêng trong 9 tháng qua, đã có thêm 36 doanh nghiệp giải thể.

Thực trạng trên cho thấy, doanh nghiệp của Bạc Liêu đang phải đương đầu với quá nhiều khó khăn, cụ thể là số doanh nghiệp đăng ký mới không nhiều, quy mô về vốn đăng ký ít đi, và nền kinh tế của Bạc Liêu sẽ gặp khó khi doanh nghiệp (được coi là động lực của nền kinh tế) ngày càng yếu và thiếu!...

Đâu là nguyên nhân?

Phải khẳng định rằng, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh rất bản lĩnh, năng động sáng tạo, nhạy bén với thị trường. Điều đó đã được chứng minh bằng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khẳng định thương hiệu từ nhiều công ty, doanh nghiệp điển hình của tỉnh.

Tuy nhiên, tại sao phần lớn các doanh nghiệp của tỉnh lại yếu và thiếu? Nguyên nhân cơ bản chính là doanh nghiệp yếu về nguồn lực và gần như lệ thuộc hoàn toàn vào vốn vay từ các ngân hàng. Theo thống kê của Hội Danh nhân trẻ tỉnh, hơn 99% doanh nghiệp trong tỉnh đều vay vốn từ ngân hàng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.

Xuất phát từ sự lệ thuộc này, đồng vốn ngân hàng được ví như “máu đang chảy trong cơ thể” của các doanh nghiệp. Vì vậy, khi ngân hàng không cho doanh nghiệp vay vốn thì cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp “không còn máu”. Vì lẽ đó, lãi suất ngân hàng dù có tăng cao đến ngất ngưởng và có thời điểm lãi suất vượt lên đến 22%/năm, song doanh nghiệp vẫn phải “bóp bụng” để vay nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh. Từ sự lệ thuộc vào đồng vốn ngân hàng nên khi chính sách tiền tệ thay đổi, ngân hàng thực hiện thắt chặt cho vay là các doanh nghiệp khốn đốn. Gần như các doanh nghiệp bị phá sản, nợ nần đều xuất phát từ việc không chủ động được đồng vốn khi ngân hàng không tiếp tục giải ngân và mất khả năng thanh toán.

Bên cạnh việc yếu về nguồn lực, còn một nguyên nhân khác làm cho doanh nghiệp của tỉnh yếu và thiếu là trình độ quản trị doanh nghiệp còn hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp đều khởi nghiệp từ cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, quản lý theo kinh nghiệm hộ gia đình, chứ chưa hoạch định được những mục tiêu, định hướng chiến lược cho sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, có tư tưởng không dám phát triển và mở rộng quy mô sản xuất vì sợ đóng thuế cao, sợ bị cạnh tranh và không đủ năng lực quản lý, điều hành…

Ngoài những nguyên nhân trên, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh phải cõng trên vai quá nhiều gánh nặng và những khoản chi phí phát sinh không đáng có. Đơn cử như khi đầu tư phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ, doanh nghiệp phải bỏ thêm một khoản chi phí không nhỏ để đầu tư ban đầu thay vì xây dựng và khai thác ngay. Bởi, Bạc Liêu là một tỉnh nông nghiệp, đất nông nghiệp chiếm hơn 87% diện tích tự nhiên, muốn xây dựng công trình phải chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, và phải đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Đó là chưa kể việc san lấp, đầu tư cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng, bồi hoàn… làm cho doanh nghiệp mất nhiều thời gian và tăng chi phí đầu tư.

Phần lớn doanh nghiệp vay vốn ngân hàng ngắn hạn, nhưng phải đầu tư cho những dự án mang tính dài hạn. Từ đó làm cho doanh nghiệp đuối sức, nhiều doanh nghiệp thua lỗ từ những dự án phát sinh quá nhiều vốn đầu tư nhưng hiệu quả thu lại theo kiểu “lượm bạc cắc”. Thêm vào đó, áp lực về thiếu và khan hiếm nguồn nhân lực có tay nghề cao cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Lao động Bạc Liêu tuy khá dồi dào (hơn 600.000 lao động), song phần lớn là lao động chưa qua đào tạo, hoặc đã qua đào tạo nhưng chất lượng thấp, tác phong và ý thức lao động chưa cao, nhất là ngành chế biến thủy sản xuất khẩu luôn trong tình trạng thiếu nguồn lao động…

Để doanh nghiệp thật sự là động lực của phát triển kinh tế, việc mạnh dạn nhìn nhận, phân tích và đánh giá đúng thực trạng hoạt động yếu kém của doanh nghiệp để có hướng đầu tư, hỗ trợ, phát triển cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

LƯ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.