Tâm thư người liệt nữ anh hùng gửi cho con

Thứ Tư, 19/10/2016 | 17:04

Chị được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng phần thưởng cao quý - Huân chương Độc lập hạng Nhất; Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam truy tặng Huy chương “Thành đồng” hạng Nhì và Huân chương “Quyết thắng” hạng Nhất. Chị là người con ưu tú của quê hương Bạc Liêu, người liệt nữ anh hùng Lê Thị Riêng.

Nhưng hôm nay đây, người viết bài này sẽ không nhắc lại những thời khắc lịch sử đã tạc nên tượng đài “Thành đồng”, mà chỉ muốn tạc thêm một tượng đài kề bên - tượng đài của tình mẫu tử thiêng liêng - qua những bức tâm thư mà người mẹ anh hùng ấy đã gửi cho con mình.
Nếu đem cân nhắc và nhất định phải chọn giữa tình mẫu tử và tình yêu lớn dành cho đất nước, đồng bào, những người phụ nữ Việt Nam sẽ hy sinh cái tình cảm mẹ - con thiêng liêng nhất để nghiêng về cái tình chung! Có một người mẹ anh hùng trong muôn triệu những người mẹ anh hùng của đất nước Việt Nam đã đi theo tiếng gọi giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà lìa xa 2 đứa con thơ, không gặp mặt con một lần cho đến lúc… hy sinh! Tình yêu thương của người mẹ dành cho con cách xa hai bờ Nam - Bắc chỉ có thể gửi vào những bức tâm thư…

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Riêng cùng chồng con và 2 trong số nhiều bức thư của chị Lê Thị Riêng gửi các con trai. Ảnh: Lê Hữu Long (ảnh chụp lại). 

Chị Lê Thị Riêng sinh năm 1925 trong một gia đình nghèo ở Giá Rai. Sớm mồ côi mẹ, lại sống trong cảnh đất nước chiến tranh, dân tộc bị áp bức, chị đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1945, chị đứng vào hàng ngũ những người phụ nữ cứu quốc đầu tiên tại Bạc Liêu, sau đó là Đoàn trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Rạch Giá, Phó hội trưởng Phụ nữ cứu quốc miền Đông Nam bộ. Rồi chị kết hôn với một cán bộ cách mạng, sinh được 2 người con trai. Hạnh phúc riêng không thể trọn vẹn khi niềm vui chung của đất nước chưa tròn. Vợ xa chồng đi làm nhiệm vụ, một lần về cứ, chị được những đồng chí báo tin “anh ấy đã hy sinh”. 7 năm chung sống, những tháng ngày bên nhau không được là bao, rồi tử biệt! Đến cái nhiệm vụ thiêng liêng làm mẹ, chị cũng không thể làm tròn khi phải gửi 2 con nhỏ ra tận đất Bắc để ở trong Nam tiếp tục con đường cách mạng. Người Phó hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam, Trưởng Ban phụ vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định năm ấy đã tạm gác tình riêng để anh dũng chiến đấu và anh dũng hy sinh: tháng 5/1967 chị bị bắt, bị tra tấn dã man và rồi chị đã bị giết trong đêm mồng 2 Tết Mậu Thân 1968. 
Hỏi trái tim của những người làm mẹ, ai không thấy quặn thắt khi đọc những dòng thư người mẹ anh hùng nắn nót viết gửi cho con: “Mẹ gửi cho Minh Chánh và Chí Công. Mẹ nhớ thương 2 con lắm, con có ngoan và học giỏi không, chừng nào con học biết chữ thì viết thơ về thăm mẹ. Con nghe lời ba, mẹ, các bác, các chú dạy bảo… Chánh, Công có nhớ mẹ không. Mẹ mong được gặp các con để bồng con, hôn con một chút”. “Mẹ được thơ con và bản nhận xét nhà trường, mẹ rất mừng là nghe con học giỏi, em Công lại biết viết chữ, mẹ rất cưng con. Mẹ gửi cho con 2 cây viết, con chưa xài gửi mẹ Mai Khanh cất để lớn hãy xài cũng được… Bao giờ em Công biết chữ, con bảo em Công viết thơ về cho mẹ nhe con. Con gặp mẹ trong phim con còn nhớ mẹ không? Mẹ thì nhớ 2 con rất kỹ, nhớ cả chịn chân, chịn tay, cả nốt ruồi to trên ống chân của Chánh và cục thịt ở lỗ tai Công nữa. Mẹ nhớ con lắm và hôn con thật nhiều! Mẹ của con”. “Mẹ vừa được thư con, nhìn thấy chữ con và lời lẽ trong thư, làm mẹ càng nhớ thương con vô hạn. Mẹ rất mong nước nhà sớm thống nhất sẽ đưa hai con về ở với mẹ. Mẹ đem con về Nam, cho con ăn dừa tươi, xoài, măng cụt, khóm, chuối và nhiều loại trái cây khác…. Con thưa hộ thầy con, mẹ thăm và xin cảm ơn thầy đã giúp đỡ dạy dỗ con thành trò ngoan và thành con tốt của mẹ. Mẹ mong con chóng trở thành cháu ngoan của Bác Hồ. Con bây giờ bao lớn rồi, mẹ còn bồng con nổi nữa không? Mẹ hôn con thật nhiều…”.
Không biết “người mẹ miền Nam” (cách chị Lê Thị Riêng ký tên trong nhiều bức thư gửi con) đã gửi bao nhiêu thư cho con mình, chỉ biết rằng trong mỗi bức thư nhiều nhất là những từ “thương”, “nhớ”, “yêu”, “hôn” và “mong”. Thương nhớ 2 con, muốn được ôm hôn, và mong được có ngày gặp lại, người mẹ nào khi xa con lại chẳng mong những điều như vậy. Nhưng rồi cho tới ngày hy sinh, chị đã chẳng thể được toại nguyện ước mơ: “Tôi mơ ước một ngày xuân thống nhất/ Được gặp con, được ôm ấp vỗ về/ Thèm thuồng nhìn đôi mắt trẻ ngây thơ/ Bao hạnh phúc mẹ dồn về con cả”, đó cũng là bài thơ “Ước mơ” trong tập nhật ký của anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng tặng 2 con trước lúc đưa con lên đường ra Hà Nội năm 1960. Cảm xúc khi đọc bài thơ này, tác giả Vưu Long Vỹ đã viết bản vọng cổ “Lời thơ cho con” rất xúc động: “Người liệt nữ anh hùng gan dạ kiên trung, người mẹ trẻ thương con, người vợ hiền chung thủy. Mẹ đã hóa thân thành cánh hoa bất tử, thành tên chung tỏa sáng muôn đời. Có những bài thơ nghe nhẹ nhàng sâu lắng. Chắp sáng lòng người khơi dậy mỗi ước mơ. Chan chứa niềm riêng cùng hòa chung nỗi nhớ. Tặng cuộc đời và riêng tặng cho con”.
Đọc những bức tâm thư của anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng, một lần nữa những thế hệ hậu bối như chúng ta lại kính cẩn nghiêng mình trước những tượng đài phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”! Và, chúng ta chỉ có thể đếm được sau cuộc chiến Việt Nam mất mát bao nhiêu người con anh hùng, bao nhiêu thương binh, bao nhiêu gia đình có công với cách mạng; làm sao có thể đong đếm nổi những đau thương, niềm nhớ mong của trái tim những người phụ nữ Việt Nam khi phải chia lìa, mất đi những mối tình thâm. Người phụ nữ Việt Nam anh hùng mang khối tim sắt đá trước kẻ thù bao nhiêu thì con tim ấy càng chan chứa, ấm nồng bấy nhiêu dành cho núm ruột của mình.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.