Tạo sức bật mới cho nền kinh tế đất nước

Thứ Sáu, 21/10/2016 | 15:26

Ngày 20/10, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc. Một trong những nội dung quan trọng nhất của kỳ họp này là các đại biểu Quốc hội sẽ xem xét, quyết định kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước.

Theo Tờ trình của Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp Quốc hội lần này thì mục tiêu chủ yếu của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung vào việc nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và bảo đảm tăng trưởng xanh, sạch, bền vững.

Ảnh minh họa: Internet

Tái cơ cấu nền kinh tế không phải là vấn đề mới. Cách đây gần 5 năm, đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh đã được trình Quốc hội. Theo ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì 5 năm qua, việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng, tỷ trọng nông nghiệp giảm. Quá trình cơ cấu lại về đầu tư công, hệ thống các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, nhiều mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế đến nay vẫn chưa đạt được. Phương thức phân bổ nguồn lực xã hội, mô hình tăng trưởng kinh tế về cơ bản chưa thay đổi. Tỷ lệ đầu tư khá cao so với thông lệ nhưng hiệu quả đầu tư công còn thấp. Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả, quản trị doanh nghiệp còn yếu kém... Trong bối cảnh hiện nay, nếu không tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thì nguy cơ tụt hậu về kinh tế là khó tránh khỏi.

Tăng trưởng theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh là mô hình luôn luôn đúng với không riêng Việt Nam và nhiều nước đã thực hiện để tái cơ cấu nền kinh tế. Thế nhưng, vấn đề mấu chốt của việc tăng trưởng theo chiều sâu ở nước ta hiện nay là gì? Giải pháp nào để nâng cao năng lực cạnh tranh? Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị trong chỉ đạo và thực hiện tái cơ cấu, vấn đề mấu chốt là tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin - cho; nhanh chóng khoanh vùng để xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời, tránh ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, các thành quả kinh tế - xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Tại diễn đàn của kỳ họp Quốc hội khóa trước, có đại biểu đã thẳng thắn phát biểu rằng, lực cản lớn nhất của tái cơ cấu nền kinh tế không phải là phương pháp, không phải là lộ trình, không phải là nguồn lực… mà chính là sự chi phối của cái gọi là “lợi ích nhóm”, bao gồm cả lợi ích của bộ, ngành, địa phương. Mô hình tăng trưởng, sự vận hành của thể chế kinh tế và cách thức phân bổ các nguồn lực quốc gia hiện nay vẫn đang đem lại lợi ích cho các bộ, ngành, địa phương nên tất nhiên sẽ không ai muốn thay đổi.

Cử tri mong muốn, tại kỳ họp Quốc hội lần này, những lực cản của tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được các đại biểu chỉ ra thật cụ thể và đề xuất các giải pháp mạnh để từng bước xóa bỏ các lực cản này. Đó cũng là một trong những vấn đề mấu chốt để tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta thành công.

HOÀNG GIA MINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.