Doanh nghiệp Bạc Liêu: Cần liên kết để phát triển bền vững

Thứ Sáu, 21/10/2016 | 15:31

Có thể nói, thiếu hợp tác và chưa liên kết là một trong những yếu kém của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ở Bạc Liêu hiện nay. Đây là nguyên nhân chính làm cho doanh nghiệp không thể lớn thêm và không tạo ra được khả năng cạnh tranh, góp phần hình thành nên những doanh nghiệp đầu tàu, hay những tập đoàn kinh tế lớn. Đồng thời, gây lãng phí nhiều nguồn lực và kìm hãm sự phát triển.

Xây dựng công trình - một trong những lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp Bạc Liêu (thi công kè tại TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Minh Bạch (TX. Giá Rai). Ảnh: L.D

MẠNH AI NẤY LÀM

Có một thực trạng không thể phủ nhận là việc mạnh ai nấy làm vốn trở thành căn bệnh trầm kha của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay. Bạc Liêu đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về liên kết và kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác với nhau, nhưng có mấy doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Bởi việc tranh giành thị trường, không tạo nên tiếng nói chung luôn trở thành nỗi bức xúc và trăn trở của nhiều doanh nghiệp.

Nói về thế mạnh kinh tế của các doanh nghiệp Bạc Liêu, chiếm phần lớn vẫn là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và chế biến tôm xuất khẩu. Thế nhưng, đến nay Bạc Liêu vẫn chưa xây dựng được một hội nghề nghiệp cho các thế mạnh kinh tế này. Vậy là, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy chạy, thậm chí phá giá, triệt hạ lẫn nhau… Và đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự thua lỗ, phá sản của nhiều doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân C.T - một trong những doanh nghiệp xây dựng xếp vào nhóm hàng đầu của tỉnh cho biết: “Có doanh nghiệp hôm nay trúng thầu thì hôm sau mới đi mua cối trộn hồ và những thiết bị cần thiết khác”.

Vấn đề đặt ra, nếu như các doanh nghiệp xây dựng liên kết với nhau thì chắc chắn sẽ không có chuyện doanh nghiệp “hôm nay trúng thầu, hôm sau mới đi mua cối trộn hồ” theo kiểu “ăn xổi ở thì”!? Vì khi các doanh nghiệp có sự phân công lao động và tranh thủ, khai thác thế mạnh của nhau, sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp giảm tối đa các khoản chi phí đầu tư không đáng có và làm cho tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp cao hơn. Đằng này, khi trúng thầu một dự án, doanh nghiệp gần như ôm hết toàn bộ từ khâu san lấp, xây dựng, trang trí… Và muốn hoàn thành các công việc này, doanh nghiệp phải cõng thêm bộ máy quản lý, kỹ thuật viên và đầu tư tất cả các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho thi công, thay vì doanh nghiệp chỉ đảm nhận một khâu quan trọng của dự án, còn lại là liên kết và tranh thủ nguồn lực từ các doanh nghiệp xây dựng khác như các doanh nghiệp chuyên về xe ủi, xe cẩu, xe trộn và đổ bê-tông… phục vụ cho công trình mà không cần phải tốn tiền tỷ cho việc mua sắm tài sản.

Chính bất cập này mà khi hết công trình xây dựng thì nhiều máy móc, thiết bị thay nhau nằm phơi nắng, thậm chí phải tốn thêm chi phí cho tiền kho bãi để cất giữ. Rồi cả bộ máy quản lý, kỹ thuật viên cũng ngồi không ăn lương. Tài sản, nguồn lực thì bị lãng phí và không thể sinh lãi cho doanh nghiệp, nhưng vốn vay ngân hàng cứ đẻ lãi hàng ngày. Khó khăn này đã đẩy nhiều doanh nghiệp của tỉnh vào cảnh phá sản, với tài sản trị giá tiền tỷ nhưng chỉ là đống sắt không thể thanh lý!?

Cũng xuất phát từ khó khăn trên đã kéo theo nạn chạy dự án và kiên quyết bỏ giá rẻ để được trúng thầu, nhằm có công trình để làm, để nuôi bộ máy và máy móc không bị gỉ sét… Trúng thầu giá rẻ sẽ kéo theo thi công công trình kém chất lượng, vì nếu làm đúng kỹ thuật, chất lượng thì doanh nghiệp chỉ có lỗ!?

Đối với các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu, việc thiếu liên kết lại càng thể hiện sâu sắc hơn. Để bảo vệ các quyền và lợi ích của doanh nghiệp và cả người nông dân, trong nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT, VASEP và ngành quản lý của tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo và thực hiện cam kết nói không với tôm tạp chất. Trong đó, xác định sự kiên quyết không thu mua tôm tạp chất mang tính quyết định. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cứ lén lút thu mua, phá giá và đẩy nhiều doanh nghiệp khác vào cảnh khốn đốn, “không theo thì không được”, do không mua thì lấy đâu ra nguyên liệu mà chế biến để thanh toán các hợp đồng đã ký trước đó!? Còn đã thu mua, chế biến thì phải chấp nhận đứng trước nhiều rủi ro theo kiểu “may nhờ rủi chịu”. Vì nếu bị các nước nhập khẩu phát hiện hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chắc chắn sẽ bị trả hàng, bị đưa vào danh sách đen trên cổng thông tin xuất khẩu chung của thế giới, bị tẩy chay hàng hóa, bị mất thương hiệu và việc thua lỗ, phá sản chỉ là chuyện sớm hay muộn!?

LIÊN KẾT - ĐÂU CHỈ CÓ DOANH NGHIỆP

Với sự cạnh tranh khốc liệt trong sản xuất, kinh doanh như hiện nay, việc liên kết đã không còn là chuyện của doanh nghiệp với doanh nghiệp, hay doanh nghiệp với nông dân, mà cần thêm sự liên kết của Nhà nước. Vì thực tế trong thời gian qua, sự liên kết này vẫn chưa thật sự bền chặt, còn mang tính hành chính, ngoại giao hơn là sự đồng hành để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Một số sở, ngành, địa phương còn mang nặng cơ chế xin - cho, thay vì hỗ trợ hay xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Có thể thấy rõ nhất là để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, từ tháng 5/2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương trong thực hiện các công trình thủy lợi cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh tham gia, nhằm giúp các doanh nghiệp phát triển và đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Đến tháng 9/2016, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục ban  hành văn bản chỉ đạo nhắc nhở các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt việc hỗ trợ các doanh  nghiệp vừa và nhỏ như đã chỉ đạo trong tháng 5/2016. Thế nhưng, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho biết, đến nay các doanh nghiệp của tỉnh chưa nhận được dự án hay công trình nào!?

Theo Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, nếu các ngành, địa phương liên kết chặt chẽ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sẽ giúp rất nhiều cho các doanh nghiệp và sự phát triển chung của nền kinh tế. Vì khi một dự án được triển khai, đâu chỉ có doanh nghiệp xây dựng được hưởng lợi, mà còn nhiều ngành nghề và hoạt động dịch vụ khác ăn theo như: kinh doanh vật liệu xây dựng, vận tải, trang trí nội thất, công nghiệp điện… nhất là giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động của địa phương. Cũng như góp phần cho tăng thu ngân sách Nhà nước từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Thiếu và chưa hợp tác liên kết đã thật sự kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp ở Bạc Liêu thời gian qua. Do vậy, doanh nghiệp Bạc Liêu rất cần một “nhạc trưởng” để liên kết các doanh nghiệp lại với nhau, chứ không thể tiếp tục tồn tại việc “mạnh ai nấy tấu” hay “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Đây thật sự trở thành vấn đề mang tính sống còn, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp các doanh nghiệp, doanh nhân phát triển xứng tầm, bền vững và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

LƯ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.