Huy động nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông và thủy lợi

Thứ Tư, 30/11/2016 | 16:00

Từ khi tái lập tỉnh (1997) đến nay, quy mô của nền kinh tế không ngừng phát triển và tăng trưởng khá cao (hơn 12%/năm). Trong đó, sản xuất nông nghiệp đóng vai trò mũi nhọn và mang tính chi phối khi chiếm hơn 45% cơ cấu kinh tế. Tuy vậy, Bạc Liêu vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp do gặp nhiều khó khăn về xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất, giao thông và thủy lợi.

Nhiều thành tựu

Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển, mới thấy hết những quyết tâm của cả Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vì một Bạc Liêu phát triển. Nếu như tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 1997 là 1.663 tỷ đồng, thì đến năm 2016 ước đạt hơn 16.690 tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với năm mới tái lập tỉnh.

* Người dân xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) xây dựng lộ giao thông nông thôn.

* Nông dân vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A bơm nước vào vuông nuôi tôm. Ảnh: T.A

Đạt được kết quả trên là nhờ thực hiện nhiều giải pháp tăng cường đầu tư cho phát triển; sự quan tâm chỉ đạo đầu tư thông qua thu hút nhiều dự án phát triển giao thông, huy động nguồn lực đóng góp từ nhân dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT).

Qua 20 năm tái lập tỉnh, nhiều vùng nông thôn đã không còn cảnh ngăn sông, cách chợ, hàng trăm tuyến lộ GTNT được xây mới, đến nay tất cả các ấp đều có đường giao thông ấp liền ấp. Đồng thời, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã và đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng theo tiêu chí đường GTNT mới. Hiện nay, 39/49 xã (chiếm 79,6%) đã có đường ô tô đến trung tâm, tăng 28 xã so với năm 1997. Bên cạnh đó, nhiều công trình giao thông quan trọng cũng được đầu tư mở rộng như: Đường Vĩnh Mỹ - Phước Long, đường Giá Rai - Gành Hào, đường Cầu Sập - Ninh Quới, đường An Phúc - Gành Hào, đường Giồng Nhãn - Gành Hào, cầu Giá Rai, cầu Phước Long 2, cầu Phó Sinh 2, cầu Tôn Đức Thắng, cầu Võ Thị Sáu...

Hệ thống thủy lợi phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản cũng được quan tâm đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành hệ thống kênh trục, kênh cấp 1 và kênh cấp 2 đối với tiểu vùng giữ ngọt ổn định và tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ (QL) 1A. Riêng các công trình thủy nông nội đồng đáp ứng khoảng 80 - 85% đối với tiểu vùng giữ ngọt ổn định; khoảng 75 - 80% đối với tiểu vùng chuyển đổi sản xuất; khoảng 70 - 75% đối với vùng Nam QL1A.

Cần ưu tiên cho thủy lợi

Trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh từ nay đến năm 2020 và trong những năm tiếp theo, thế mạnh kinh tế mũi nhọn vẫn là sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cùng với nâng cao chất lượng cho cây lúa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, Bạc Liêu sẽ tập trung phát triển kinh tế biển. Trong đó, nuôi trồng thủy sản sẽ giữ vai trò động lực, đặc biệt là xây dựng khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Để phát huy thế mạnh này, cùng với việc xây dựng hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển giao thương, cần ưu tiên đầu tư hệ thống thủy lợi cho sản xuất.

Bạc Liêu chịu ảnh hưởng trực tiếp của triều biển Đông và biển Tây. Biển Đông và biển Tây vừa là nguồn cung cấp nước mặn, vừa là nơi nhận nước tiêu thoát cho khu vực ĐBSCL nên việc kiểm soát chất lượng nước và khống chế khi có dịch bệnh trên tôm xảy ra là hết sức khó khăn. Đó là một thách thức lớn đối với công tác quản lý, khai thác nguồn nước này.

Mặt khác, đối với vùng Bắc QL1A, sau năm 2001, tỉnh đã điều chỉnh cho phép điều tiết nước mặn từ biển Đông vào để phục vụ nuôi trồng thủy sản (hình thành nên tiểu vùng chuyển đổi), phần còn lại (tiểu vùng ngọt ổn định) được bảo vệ, chống xâm nhập mặn để sản xuất nông nghiệp. Đây là một yêu cầu rất khắt khe và hết sức khó khăn cho công tác điều tiết nước nhằm đảm bảo nguồn nước hợp lý cho các tiểu vùng vừa trồng lúa, vừa nuôi tôm.

Bên cạnh đó, nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nước mưa tại chỗ, một phần được bổ sung từ nguồn nước sông Hậu và nguồn nước ngầm. Hiện nay, lượng nước mưa đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất của tỉnh trong mùa mưa. Song, vào mùa khô, nguồn nước bổ sung từ sông Hậu cho sản xuất vẫn còn rất hạn chế (do Bạc Liêu ở cuối nguồn), và chỉ có một trục cấp ngọt duy nhất là kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Từ đó sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong mùa khô còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn sâu (như đợt hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra trong năm 2016).

Song song đó, hệ thống thủy lợi của tỉnh trước đây được quy hoạch chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do đó, khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang nuôi trồng thủy sản đã bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, hệ thống cống ngăn mặn từ cống Giá Rai đến cống Láng Trâm trước đây chỉ làm nhiệm vụ ngăn mặn và tiêu úng cho vùng Bắc QL1A, nhưng từ khi chuyển đổi sản xuất đến nay, các công trình này có thêm nhiệm vụ cấp nước mặn cho vùng chuyển đổi. Do vậy, hệ thống 22 cống dọc theo QL1A hiện nay chưa đủ khả năng kiểm soát và điều tiết nước mặn, các cống đều đã xuống cấp, hư hỏng cửa van, cửa van có cao trình thấp nên không ngăn được hiện tượng nước triều dâng cao… Đó là chưa nói đến hệ thống đập thời vụ phân ranh mặn - ngọt (ở các huyện vùng ngọt) vẫn còn tạm bợ (chủ yếu là đập làm bằng đất), nên chưa chủ động ngăn mặn - giữ ngọt cho tiểu vùng giữ ngọt ổn định…

Ngoài ra, hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối ở vùng phía Nam QL1A vẫn chưa được đầu tư, nhiều tuyến kênh nội đồng bị bồi lắng nhanh gây khó khăn cho sản xuất, ô nhiễm môi trường, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề nuôi trồng thủy hải sản…

Với những khó khăn, thách thức đặt ra cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hiện nay, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư và thực hiện xã hội hóa cho các công trình thủy lợi là rất quan trọng. Đây không chỉ là nhu cầu, mà còn là điều kiện cho phát triển bền vững.

Kim Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.