Đồng hành cùng nhà nông

Chủ động phòng bệnh cho trà lúa thu đông

Thứ Hai, 05/12/2016 | 16:57

Những ngày qua, mưa lớn liên tục làm ảnh hưởng hơn 40.600ha lúa thu đông trong tỉnh. Nhiều diện tích lúa bị sập trong giai đoạn làm đòng, trổ bông. Đồng thời nhiều loại sâu bệnh xuất hiện phá hại lúa.

Nông dân xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình) phun thuốc bảo vệ trà lúa thu đông. Ảnh: P.Đ

Hiện nay, nhiều nông dân phải bơm tát để chống ngập úng và tập trung khắc phục diện tích lúa ngã đổ. Nỗi lo lớn nhất của nông dân chính là lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông thì gặp thời tiết bất lợi. Ông Nguyễn Văn Lành (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) cho biết: “Tôi trồng hơn 40 công lúa. Năm nay do mưa nhiều nên một số diện tích lúa trong giai đoạn làm đòng, trổ bông bị sập lác lác đác. Theo tôi, năng suất lúa vụ thu đông này sẽ không cao như những năm trước”.

Bên cạnh thời tiết bất lợi, nông dân còn có một nỗi lo khác là sâu bệnh phá hại lúa. Ông Lâm Tùng (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) nói: “Do mưa kéo dài nên đã tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh phát triển. Đồng thời việc phun thuốc bảo vệ thực vật cũng gặp nhiều khó khăn”. Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, đã có hơn 17.800ha lúa bị nhiễm sâu bệnh (như rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn…). Nhờ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, nông dân đã phòng trừ sâu bệnh được hơn 15.000ha. Bên cạnh đó, bà con cũng đã chủ động bảo vệ diện tích lúa chưa nhiễm sâu bệnh.

Ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, khuyến cáo: “Mùa mưa năm nay dứt trễ là do ảnh hưởng của hiện tượng Lanina. Dự báo, từ nay đến cuối tháng 12/2016 sẽ còn nhiều trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy, gió lớn. Để bảo vệ trà lúa thu đông, bà con cần chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh, phun thuốc phòng ngừa trước khi lúa nhiễm sâu bệnh. Trong đó, bệnh đạo ôn cổ bông là đối tượng phát triển nhiều nhất, kế đó là rầy nâu… Bên cạnh đó, bà con nên sử dụng một số loại thuốc dưỡng hạt để bảo vệ năng suất lúa”.

Với hệ thống thủy lợi tương đối hoàn thiện như hiện nay, việc bảo vệ và khắc phục hậu quả do mưa trái mùa ở vụ lúa thu đông là không quá khó. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm sao tiết kiệm chi phí sản xuất. Anh Nguyễn Văn Khởi (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) cho rằng: “Chi phí vụ lúa thu đông năm nay tăng là do sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn vụ thu đông năm trước. Ước tính, chi phí cuối vụ sẽ hơn 3,2 triệu đồng/công; có thể sẽ cao hơn vụ thu đông năm 2015 từ 500.000 - 700.000 đồng/công. Do lúa trỗ đòng vào những ngày mưa nên năng suất không cao, cộng thêm chi phí sản xuất tăng nên vụ lúa này nông dân có nguy cơ thua lỗ”. Trước những khó khăn như hiện nay, nông dân chỉ còn biết trông chờ lãi - lỗ vào giá lúa ở cuối vụ.

Có thể thấy, sản xuất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu là rất khó khăn. Cho nên, đã đến lúc ngành chức năng cần xem xét lại cơ cấu mùa vụ và khuyến cáo nông dân trồng những giống lúa cho năng suất, chất lượng cao, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phạm Đoàn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.