Giáo dục - Học Đường

Buồn vui nghề nuôi dạy trẻ

Thứ Tư, 07/12/2016 | 15:38

Thời gian qua đã xuất hiện khá nhiều vụ việc cô giáo mầm non bạo hành trẻ, gây bức xúc trong dư luận, từ đó có không ít người mang cái nhìn nghi ngại khi gửi con em vào các trường mầm non, mẫu giáo. Song, thực hư câu chuyện của nghề nuôi dạy trẻ còn rất nhiều người chưa hiểu thấu, chính vì thế, có không ít cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ vì câu chuyện “một con sâu làm sầu nồi canh” mà phải chịu nhiều cay đắng với nghề.

Một tiết học của cô trò Trường mầm non Tâm Tâm (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Q.A

Xã hội ngày càng phát triển thì giáo dục mầm non ngày càng được quan tâm, vì đây là bậc học đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nó đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ… của trẻ sau này. Để tạo được tiền đề ấy, không ai khác hơn chính là cô giáo mầm non. Và như vậy, trách nhiệm của những cô giáo mầm non quả thật rất nặng nề!

Một ngày làm việc của cô giáo mầm non bắt đầu từ 6 giờ sáng với các công việc: vệ sinh phòng học, sắp xếp bàn ghế, chuẩn bị đồ dùng dạy học... Khi bé quấy khóc, cô giáo mầm non là một “người mẹ” trải rộng tình thương dỗ dành trẻ như những đứa con ruột thịt. Khi bé ngã bệnh, cô giáo mầm non trở thành một “bác sĩ” săn sóc, theo dõi sức khỏe. Cô giáo mầm non còn là một nhà giáo vừa dạy dỗ trẻ những điều hay lẽ phải, vừa giúp trẻ làm quen bao kiến thức đầu đời. Trẻ con, mỗi đứa là một tính nết khác nhau, để giúp trẻ hòa nhập vào tập thể với những nếp ăn, nếp ở, cách sinh hoạt chung không phải là việc dễ dàng. Muốn làm được điều đó, cô giáo mầm non phải là người hiểu rõ tính tình từng bé mà có cách dạy dỗ, uốn nắn riêng. Ngoài ra, với mô hình học bán trú hiện nay thì phần lớn thời gian làm việc của cô giáo mầm non là dành cho việc ăn uống, tắm gội, giặt giũ cho trẻ và vệ sinh trong - ngoài phòng học. Bên cạnh những công việc thường nhật ấy thì hồ sơ, sổ sách, giáo án... là một khối lượng công việc chất chồng, mà đôi khi cô giáo phải lắc đầu ngán ngẩm.

Không dừng lại ở những áp lực về công việc nặng oằn trên vai, mà điều lo ngại lớn nhất của nhiều cô giáo mầm non chính là áp lực từ phía phụ huynh. Ngày nay, phần lớn mỗi gia đình chỉ có 1 - 2 con, vì muốn con em mình được phát triển một cách toàn diện, nên các bậc phụ huynh thường đặt yêu cầu rất cao và đòi hỏi rất nhiều ở các cô nuôi dạy trẻ từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến chuyện học hành của con em mình. Đã có không ít ánh mắt nghi ngờ, những lời nói đắng cay, chỉ trích cô giáo mầm non khi con em họ bị 1 - 2 vết trầy xước ở tay, chân do vô tình trúng móng tay của bạn, hoặc vô ý vấp ngã... Nhưng dù là lý do nào đi nữa, thì người có lỗi, người gánh trách nhiệm trước phụ huynh vẫn là… cô giáo! Thật hiếm khi nhận được sự thông cảm và thấu hiểu từ phía các phụ huynh rằng các bé rất hiếu động, nên đôi lúc có những sự cố không ai muốn, mà thay vào đó là những lời phàn nàn, nặng nhẹ, đôi khi còn làm lớn chuyện, phản ánh đến Ban giám hiệu trường, báo chí... Còn các cô giáo, những ai rơi vào hoàn cảnh ấy chỉ biết âm thầm lau nước mắt. Thế nhưng, có một thực tế mỗi khi trường bận họp, hoặc nghỉ lễ 1 - 2 ngày thì nhiều phụ huynh lo lắng, than thở “con/thằng bé ở nhà thì làm sao chịu nổi!”. Vậy đó, nghề nuôi dạy trẻ ngày nay không còn là một chuyện giản đơn với những bài ca điệu múa, những câu chuyện cổ tích nữa, mà là nghề “làm dâu trăm họ”.

Vậy làm thế nào để các cô giáo mầm non đỡ phải lo lắng, băn khoăn về cái nghề mình đã chọn? Làm thế nào để người giáo viên mầm non bớt đi những áp lực nặng nề để đủ sức, đủ niềm tin yêu với công việc ươm mầm cho tương lai? Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự tin tưởng, cảm thông, quan tâm của xã hội, trong đó có một phần không nhỏ từ các bậc phụ huynh.

CẨM THI

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.