Tiêu điểm

Tháo gỡ khó khăn cho vùng nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL

Thứ Sáu, 09/12/2016 | 16:14

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng đã đến thăm và khảo sát tại một số hộ và tổ hợp tác nuôi tôm (xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A thuộc huyện Hòa Bình). Sau khi thị sát thực tế, Phó Thủ tướng chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành và 6 tỉnh nuôi tôm trọng điểm thuộc ĐBSCL để chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất.

KẾT CẤU HẠ TẦNG PHỤC VỤ CHO NUÔI TÔM CHƯA ĐÁP ỨNG

Theo lãnh đạo các tỉnh nuôi tôm trọng điểm vùng ĐBSCL (Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh và Bến Tre), khó khăn lớn nhất hiện nay là hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vẫn còn sử dụng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm. Một số địa phương vẫn còn thiếu điện phục vụ nuôi tôm. Các hộ nuôi tôm phải dùng máy nổ để quạt nước, bơm nước khiến cho giá thành sản xuất tăng cao. Đơn cử như xã Vĩnh Hậu A có 3.200ha tôm nuôi; trong đó có 2.200ha nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp thiếu điện phục vụ sản xuất.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt Úc - Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ

Bên cạnh đó, các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… là vùng trọng điểm nuôi tôm cả nước, nhưng chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm. Ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: “Điều kiện kết cấu hạ tầng của Bạc Liêu như điện, giao thông và hệ thống thủy lợi… chưa đáp ứng được các yêu cầu sản xuất, tăng vụ. Các công trình, nhất là hệ thống kênh cấp và thoát nước phục vụ khu vực nuôi trồng thủy sản mức độ đầu tư còn thấp. Rất mong Chính phủ đầu tư để Bạc Liêu từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ cho vùng nuôi tôm trọng điểm”.

Công tác giám sát vùng nuôi, đặc biệt là khâu quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất tại nhiều địa phương tuy đã được quan tâm, nhưng kết quả hoạt động còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, công tác kiểm soát chất lượng con giống trong sản xuất và lưu thông vẫn còn hạn chế… Do có nhiều cơ sở nuôi tôm nhỏ lẻ nên chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất…

NHỮNG GIẢI PHÁP THÁO GỠ

Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương tập trung rà soát lại quy hoạch. Các tỉnh đã có quy hoạch rồi, chỗ nào thiếu thì bổ sung. Xây dựng mới quy hoạch phải gắn với đề án tái cấu trúc nền kinh tế của vùng, địa phương, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ NN&PTNT sớm trình Chính phủ đề án tổng thể phát triển ngành tôm nước lợ giai đoạn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng sản xuất công nghiệp với công nghệ cao. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường các biện pháp giám sát, thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực liên quan đến thủy sản nói chung- (nhất là con tôm) từ khâu con giống, thức ăn, thuốc, môi trường và xử lý nghiêm các vi phạm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu đề xuất về các nguồn vốn, nhất là vốn ngân sách, vốn ODA để đầu tư cho các dự án ưu tiên trọng điểm, trong đó có nuôi tôm. Còn Bộ Khoa học và Công nghệ gắn việc nghiên cứu với mục tiêu phát triển ngành tôm, trong đó chủ động sản xuất giống tôm Việt Nam đạt chất lượng. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến công nghệ thức ăn tôm và công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cùng với các bộ, ngành xây dựng cơ chế chính sách, trong đó có cơ chế đáp ứng về vốn cho ngành tôm. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có cơ chế, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các hộ gia đình, tổ hợp tác nuôi tôm tiếp cận nguồn vốn vay một cách thuận lợi nhất, để họ phát triển sản phẩm tôm.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp, trong đó chú trọng bảo hiểm thủy sản và quan trọng là người nuôi tôm để đảm bảo đời sống, sản xuất của người dân. Bộ Công thương quan tâm tìm kiếm thị trường cho con tôm. Tiếp tục mở rộng để tôm Việt Nam vươn đến các thị trường khác, kể cả những thị trường khó tính hơn.

Để giải quyết nguồn điện phục vụ nuôi tôm, Phó Thủ tướng yêu cầu, trước mắt ngành Điện lực rà soát lại, khẩn trương cung ứng đủ điện cho sản xuất nói chung, đặc biệt là những hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi tôm ở ĐBSCL. Về kế hoạch dài hạn, ngành Điện lực cần phối hợp với các tỉnh để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng điện phục vụ cho các khu nuôi tôm đã được quy hoạch…

MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.