Tiêu điểm

Sản xuất nông nghiệp năm 2017: Chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn

Thứ Sáu, 09/12/2016 | 16:42

Một trong những nội dung quan trọng được nhiều cử tri và đại biểu HĐND gửi đến ngành Nông nghiệp tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX là những giải pháp của ngành quản lý trong việc giúp nông dân ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời, tăng cường đầu tư về hạ tầng và đảm bảo cho sản xuất mang lại hiệu quả.

* Ngành Nông nghiệp kiểm tra hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A.

* Người dân đắp đê ngăn triều cường tại biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Có thể nói, năm 2016 sản xuất nông nghiệp của tỉnh phải đương đầu với nhiều khó khăn và bị ảnh hưởng nặng nề từ hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, đã làm thiệt hại trên 1.300ha lúa vụ đông xuân và hơn 19.000ha nuôi trồng thủy sản. Do vậy, đây đã trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của nông dân và mong muốn ngành Nông nghiệp có ngay các giải pháp cho những vụ mùa trong năm 2017.

Theo ngành Nông nghiệp, mùa mưa năm 2016 trên địa bàn tỉnh sẽ kết thúc muộn vào khoảng đầu tháng 12; tổng lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm. Riêng trong các tháng 12/2016 và tháng 1, 2/2017 sẽ có lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm (xuất hiện mưa trái mùa). Ngoài ra, vẫn còn khả năng xuất hiện 1 - 2 cơn bão trên biển Đông, gây mưa vừa đến mưa to ở khu vực Nam bộ.

Về thủy văn, sẽ xuất hiện 2 đợt triều cường vượt mức báo động III (mức báo động III ở trạm Gành Hào là +2,00m) vào giữa tháng 12/2016 và giữa tháng 1/2017; tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông trong mùa khô (2016 - 2017) về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 15 - 35%; song tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô (2016 - 2017) ở khu vực Nam bộ ít gay gắt hơn mùa khô (2015 - 2016) nhưng vẫn cao hơn trung bình nhiều năm.

Để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và các tác động của biến đổi khí hậu gây ra trong mùa khô (2016 - 2017) có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT sẽ tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Về quy hoạch sẽ rà soát điều chỉnh quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực phù hợp với thị trường; khai thác các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển sản xuất; tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác để liên kết hộ, liên kết chuỗi sản xuất với doanh nghiệp; gắn tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ huy động nguồn nhân lực toàn ngành bám sát đồng ruộng, xử lý các tác động bất lợi do hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất; tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, trong thâm canh chuỗi sản xuất lúa, tôm…   

Đặc biệt về thời vụ sản xuất và bảo vệ sản xuất, do mùa mưa năm 2016 đến trễ hơn so với trung bình nhiều năm gần 1 tháng, ngành Nông nghiệp đã ban hành lịch thời vụ sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản (trong đó kết thúc vụ đông xuân vào cuối tháng 4/2017 để đề phòng thiếu nước ngọt cuối vụ), khuyến cáo không xuống giống vụ đông xuân ở các khu vực có nguy cơ thiếu nước ngọt (một số khu vực thị xã Giá Rai cuối nguồn ngọt và các diện tích cách các cống đầu mối dọc Quốc lộ 1A khoảng 500) và khuyến cáo không thả giống trong các tháng cao điểm của mùa khô (tháng 3, 4, 5 dương lịch) để hạn chế thiệt hại do nắng nóng và độ mặn tăng cao.

Trong năm 2016, diện tích lúa trên đất tôm đã đạt mức 31.328ha (trong đó các khu vực mở rộng gồm xã Phong Tân - thị xã Giá Rai, xã Vĩnh Phú Tây và xã Phước Long - huyện Phước Long, xã Ninh Thạnh Lợi A - huyện Hồng Dân), dự kiến thu hoạch vào tháng 1 và đầu tháng 2/2017. Để bảo vệ diện tích lúa này, Sở đã chỉ đạo và phối hợp với UBND các huyện Phước Long, Hồng Dân và TX. Giá Rai triển khai kế hoạch đắp các đập tạm để ngăn mặn - trữ ngọt cho các khu vực mới mở rộng diện tích lúa - tôm, điều tiết các cống phân ranh để tiếp thêm nước ngọt vào các diện tích này cho đến khi thu hoạch.  

TĂNG  CƯỜNG ĐẦU TƯ HẠ TẦNG THỦY LỢI

Cùng với các giải pháp quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - công nghệ, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung làm tốt công tác điều tiết nước và tăng cường đầu tư hạ tầng thủy lợi. Cụ thể về công tác điều tiết nước mùa khô ở vùng Bắc Quốc lộ 1A, sẽ tiếp tục cải tiến và thực hiện tốt công tác điều tiết nước trong mùa khô (2016 - 2017) để phục vụ xuất; kiểm tra sửa chữa hệ thống cửa cống, chống rò rỉ mặn qua cửa cống; sẽ đóng hệ thống cống đầu mối dọc Quốc lộ 1A và hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt vào khoảng trung tuần tháng 12/2016 để trữ nước ngọt trên kênh rạch ở mức cao trình +0,50m phục vụ sản xuất; sẽ điều tiết nước mặn cho khu vực nuôi tôm thị xã Giá Rai trong tháng 12/2016 (sau khi hoàn thành việc đắp đập tạm bảo vệ diện tích lúa - tôm ở các khu vực mở rộng); cải tiến việc mở cống đầu mối cấp nước mặn bằng cách thông báo cho các hộ dân chuẩn bị sẵn sàng máy để bơm tối đa nước mặn khi mở cống; tiếp tục phối hợp tốt với tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cà Mau để vận hành có hiệu quả hệ thống cống đầu mối và hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp (lúa, tôm…) đạt hiệu quả.

Song song đó, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phòng chống hạn, mặn như: tập trung phát động phong trào làm thủy lợi - thủy nông nội đồng trong mùa khô (2016 - 2017) trên địa bàn toàn tỉnh; sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ đất lúa để xây dựng hệ thống thủy nông nội đồng và các ô thủy lợi khép kín; vận động nông dân chủ động làm thủy nông hộ, tôn cao bờ bao ao đầm để trữ nước và phòng chống triều cường (ở vùng Nam Quốc lộ 1A); đẩy nhanh tiến độ nạo vét, cải tạo các tuyến kênh tạo nguồn từ nguồn cấp bù thủy lợi phí năm 2016, 2017; trong đó, năm 2017 sẽ ưu tiên tập trung đầu tư nạo vét, cải tạo các tuyến kênh tạo nguồn cho khu vực nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi (đê, kè, cống); đề xuất Bộ NN&PTNT thực hiện hệ thống cống đập âu thuyền Ninh Quới để khắc phục xâm nhập mặn vào vùng ngọt ổn định và tỉnh Sóc Trăng, đầu tư nạo vét các tuyến kênh trục, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu vực nuôi trồng thủy sản. Chỉ đạo các đơn vị, địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch dự phòng phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2017 để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Trong kế hoạch, sẽ dự phòng phương án đắp hệ thống đập tạm để bơm chuyền, trữ nước ngọt cho tiểu vùng giữ ngọt ổn định Bắc Quốc lộ 1A như đã tiến hành trong mùa khô (2015 - 2016)…

Với những giải pháp và huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất trên, hy vọng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản năm 2017 sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức và tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới.

KIM  TRUNG (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.