Khô tết vào mùa

Thứ Sáu, 09/12/2016 | 16:23

Hàng năm, cứ vào tháng 11 âm lịch là nhiều doanh nghiệp, hộ dân bắt tay vào chế biến các loại khô thủy sản để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Và vào thời điểm này, không khí chuẩn bị khô cung cấp cho thị trường tết rất hối hả, khẩn trương.

Ngư dân Gành Hào phơi cá khô phục vụ thị trường tết. Ảnh: Hải Âu

Để có miếng khô ngon, chất lượng, người làm cá khô phải thực hiện nhiều công đoạn từ làm sạch, loại bỏ xương, ướp gia vị, sau cùng là phơi nắng. Trong đó, khâu ướp gia vị là quan trọng nhất, bởi miếng khô có hương vị ngon chứng tỏ khả năng, bí quyết riêng của người chế biến. Hầu hết những sản phẩm khô ở Bạc Liêu đều được làm thủ công và phơi trực tiếp dưới ánh nắng.

Huyện Đông Hải là nơi làm khô thủy sản nổi tiếng với khoảng 30 cơ sở chế biến. Mỗi cơ sở ở đây chế biến từ vài trăm ký đến vài tấn cá khô/ngày. Trong đó, ấp 1 và ấp 2 (thị trấn Gành Hào) được xem là vùng chủ lực làm cá khô của huyện. Đây là nơi chuyên cung cấp các loại khô như: khô cá rún, cá đỏ dạ, cá hố, cá khoai, khô mực, khô đuối, cá cờ, cá ngân… Việc xẻ khô hầu hết là do phụ nữ làm, có thu nhập từ 100.000 - 250.000 đồng/ngày.

Anh Trần Minh Vạn (ngụ ấp 1, thị trấn Gành Hào) - người hơn 15 năm kinh doanh khô, cho biết: “Mỗi ngày tôi bán trên 1,5 tấn cá khô, gần tết thì đơn đặt hàng rất nhiều. Chỉ còn hơn 1,5 tháng nữa là đến Tết Đinh Dậu 2017, do đó chúng tôi phải thu mua nhiều cá nguyên liệu tại địa phương và từ các tỉnh khác để chế biến, cung ứng cho thị trường”.

Theo ông Hồ Thanh Tuấn, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải: “Bước qua tháng Chạp thì thị trường khô thủy sản mới thật sự sôi động, giá cả cũng nhích theo từng ngày. Năm nay, giá các loại cá khô tăng từ 10 - 20% so với năm trước. Dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết nhưng các chủ vựa đã dự trữ một lượng cá khô khá lớn để có thể cung ứng nhu cầu sử dụng trước, trong và sau tết, kể cả những lúc tăng đột biến”.

Không chỉ người làm khô ở xứ biển Gành Hào tất bật, mà ở các địa phương khác, việc làm khô cũng xôm tụ không kém. Cô Huỳnh Thị Đa, chủ cơ sở sản xuất tôm khô Đa Giàu (phường Láng Tròn, TX. Giá Rai), chia sẻ: “Cơ sở tôi có hơn 10 năm chế biến tôm khô. Để có thể làm ra những con tôm khô chất lượng, tôi phải cử người đi thu mua tôm tươi ở những nơi chỉ nuôi tôm quảng canh. Ngoài việc bán ở thị trường trong tỉnh, tôi còn phân phối cho các mối từ Cà Mau đến TP. Hồ Chí Minh”.

Bên cạnh các loại khô “xuất thân” từ vùng ngọt thuộc các huyện Phước Long, Vĩnh Lợi, Hồng Dân như: khô trâu, khô cá lóc, khô cá trạch, cá sặc bổi… cũng tạo hương vị riêng, được nhiều người ưa chuộng. Không khí làm khô tết ở những nơi này cũng khẩn trương, hối hả không kém.

Dù các loại khô trong tỉnh được đánh giá ngon, chất lượng, nhưng chỉ có một số ít loại khô được xuất ngoại, như: ruốc sấy, khô mực, cá đỏ dạ… Còn lại phần lớn lượng khô chỉ tiêu thụ trong tỉnh và một số vùng phụ cận, không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm khô của các tỉnh khác. Do vậy, người làm khô hy vọng các cơ quan chức năng quan tâm đầu tư vốn cũng như trang thiết bị, giúp họ có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Từ đó góp phần tôn vinh thương hiệu khô Bạc Liêu và góp sức cho kinh tế địa phương phát triển.

Minh Luân 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.