Phóng sự - Ký sự

Đi qua mùa gặt

Thứ Sáu, 16/12/2016 | 15:38

Đối với những người sinh ra và lớn lên ở thôn quê thì dường như cánh đồng đã trở thành một phần ký ức chẳng thể nào quên được. Bởi nó gắn liền với tuổi thơ - phần thời gian trong trẻo nhất đời người.

Quê tôi thời trước chỉ trồng được một vụ lúa. Tháng Sáu âm lịch, khi mùa mưa vừa đến thì cả vùng quê rộn ràng chuẩn bị gieo mạ. Đến tháng Bảy, tháng Tám, bắt đầu cấy. Cây lúa cứ thế chắt chiu tinh túy của đất trời mà lớn lên. Thời ấy, trẻ con vô tư lắm! Chỉ biết rằng mình yêu cây lúa vì nó làm ra hạt gạo. Và mình yêu quê hương vì nơi ấy có cây lúa. Mọi thứ tình cảm đều thanh tao như sắc hương của cây lúa vậy! 
Tôi thích lắm cái cảm giác mỗi sáng bước ra sau nhà và vươn vai đón ngày mới. Trước mặt tôi là màu xanh non của những đồng lúa nối tiếp nhau, trải dài đến tận chân trời. Nắng xuyên qua những giọt sương, long lanh như giọt thủy tinh đang nằm mơ ngủ trên ngọn lúa. Thỉnh thoảng, từng cơn gió thổi nhẹ qua, những cây lúa đồng loạt khẽ lung lay, vỗ giọt sương bay lên không trung rồi bỗng vỡ tan giữa màu nắng, khiến cho không gian quê tôi tựa hồ một miền vũ khúc. Vị trong của hương lúa, vị ngọt của sương sớm, và cái dìu dịu của nắng mai. Đó là một cảm giác khó được gọi thành tên. Êm ả đến lạ thường! 
Đến tháng Mười Một, tháng Chạp là mùa gặt. 

Từng đợt gió Đông Bắc tràn về khắp miền quê, lạnh và khô khốc. Bông lúa vàng tươi, chắc mẩy cúi mình khiêm nhường trước gió. Ngoại tôi chỉ tay về phía những bông lúa, và dạy đám cháu rằng: “Sông càng sâu càng tĩnh lặng, lúa càng chín càng cúi đầu”. Khi lúa còn xanh, lúa ngẩng cao đầu và thường tự vỗ ngực xưng danh để khẳng định mình. Thế nhưng bên trong bông lúa chỉ thơm mùi sữa. Càng dần già, trải qua những mưa nắng bão bùng, cây lúa ấy mới thật sự hiểu hết ý nghĩa đời mình và không còn bốc đồng như trước nữa. Con người cũng vậy! Càng trưởng thành, người ta càng phải nói ít đi và làm nhiều hơn! 
Lúa sắp chín, mặc dù trên đồng đã có vài chú bù nhìn bằng rơm nhưng anh em tôi vẫn được phát nào nắp, xoong, thùng thiếc để đuổi chim sẻ. Không biết từ đâu, cứ đến mùa lúa chín là loài chim nhỏ này lại bay về đây để ăn lúa. Khi chim vừa sà xuống, chúng tôi vội gõ thùng, khua nắp loảng xoảng để chúng hốt hoảng bay đi. Bầy này bay đi thì bầy khác bay đến, chúng tôi cứ chạy lăng xăng cho đến tối mới thôi. 
Lúa gặt xong, gia đình nào cũng tụ tập lại để tuốt lúa. Tiếng động cơ của những chiếc máy tuốt vang đều khắp xóm, cùng với tiếng chuyện trò vui vẻ làm nên giai điệu ngày mùa. Lúa được cho vào bao, rồi vác vào nhà bởi những người đàn ông khỏe mạnh. Tối đến, bà con trong xóm tụ tập trước sân nhà một người nào đó, kể chuyện ngày mùa, ôn chuyện đời mình. Gió Đông lướt qua, nhưng chẳng ai thấy lạnh chút nào. Chỉ cảm nhận được hơi ấm tỏa ra từ những câu chuyện rất đời, rất thật. Những ngày tiếp theo, con đường quê bỗng chốc được phủ lên một màu vàng tươi mới của thóc lúa đang phơi. Hạt lúa phải một nắng hai sương, từ gieo cấy đến trổ bông, gặt rồi phơi là cả một quá trình đầy mồ hôi và nước mắt. 
Khi mùa gặt đã xong, rơm được chất thành từng đống để đưa về nhà nhóm lửa, phần chân rạ còn lại để trên đồng, gần đến mùa gieo hạt thì đốt làm phân hữu cơ nuôi dưỡng những mầm non mới. 
Có những buổi chiều nghỉ học, tôi cùng với đám bạn trong xóm thả diều trên những mảnh ruộng vừa gặt xong. Tôi cũng hay tìm những cọng rạ to để làm kèn rồi chia cho đám bạn cùng thổi. Tiếng “toe… toe” cứ vang vang trong gió chiều. Một cảm giác bình dị, thân thương. Không chỉ vậy, chúng tôi còn tinh nghịch chơi quanh ụ rơm cao ngất, lăn dài, rồi rúc mình vào trong rơm để ngửi một mùi thơm nồng nàn, đặc trưng. Mặc dù biết tối về thấy ngứa, thấy xót, nhưng miệng đứa nào cũng cười mãi không thôi. 
Ngoại tôi bảo, người nhà quê chỉ biết gắn mình với con trâu, đồng lúa, ụ rơm để tìm niềm vui. Nếu một ngày nào đó mà không thể tiếp tục ra đồng nữa, sẽ buồn lắm! Ông bà tôi nuôi đàn con khôn lớn nhờ hạt lúa. Cha mẹ tôi yêu nhau, hò hẹn nhau nơi ụ rơm trước nhà, giữa những đêm trăng sáng như gương. Rồi sắc lúa, hương rơm nuôi dưỡng tâm hồn tôi trong trẻo, thuần khiết. Tất cả đều nhẹ nhàng mà thấm đẫm tình đất - tình lúa - tình người. Tôi hiểu vì sao ngoại tôi vẫn thường ru đời bằng một khúc ca của Trịnh: “Đời sao im vắng, như đồng lúa gặt xong”. Yên ả, lặng lẽ, nhưng chẳng hề cô đơn. 
Nhiều năm sau, người dân quê tôi dần chuyển canh tác từ trồng lúa sang nuôi tôm. Cũng có một số đồng lúa cao sản mọc lên, bông oằn như cánh cung, vàng rực như bãi sa mạc. Ngoại tôi không còn ra đồng vì tuổi cao, sức yếu. Những đàn chim sẻ chắc cũng đang mải mê sải cánh mà không về đây như trước nữa. Không còn ai gõ thùng thiếc, khua nắp xoong, cũng chẳng ai hò reo khi nhìn thấy chiếc máy tuốt nhả hạt lúa vàng tươi vào bao và phun rơm lên bầu trời nữa. Những chiếc liềm cắt lúa được thay thế bằng máy gặt đập liên hợp. Cuộc sống khấm khá hơn, nhưng cái không khí ngày mùa ấm cúng thì chẳng bao giờ trở lại... 
Liệu còn mấy ai cảm thấy xốn xang mỗi khi gió mùa Đông Bắc về?
Quách Minh Vinh 
(Huyện Đông Hải)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.