Tiêu điểm

20 năm Báo Bạc Liêu: Một góc nhìn

Chủ Nhật, 01/01/2017 | 09:37

Ngày 1/1/1997, tỉnh Bạc Liêu được tái lập. Vào ngày ấy, Báo Bạc Liêu cũng được thành lập. Tôi nằm trong danh sách 16 người từ Cà Mau về Bạc Liêu để tham gia tờ báo mới. Cũng là công việc hàng ngày quen thuộc của tòa soạn, của người làm báo, vậy mà buổi đầu xây dựng Báo Bạc Liêu có quá nhiều khó khăn, vất vả.

Cố Bí thư Tỉnh ủy - Phan Quốc Hưng thăm và chúc mừng cán bộ, phóng viên Báo Bạc Liêu nhân kỷ niệm 10 năm ra số báo đầu tiên kể từ ngày tái lập tỉnh (1/1/1997 - 1/1/2007). Ảnh: Q.H

Thời điểm ấy, cầm tờ báo trên tay, bạn đọc không thể nào hình dung nổi công việc “bếp núc” ngồn ngộn sau mặt báo. Từ việc lấy tin, viết bài đến biên tập, trình bày, đưa đi in và phát hành báo… Kéo theo đó là đời sống của anh em làm báo cũng gặp nhiều khó khăn. Với chừng ấy công việc nhưng chỉ có 16 con người đảm trách (khoảng 1/3 quân số của Báo Minh Hải), cơ sở vật chất kỹ thuật thì chỉ có 2 cái máy vi tính cũ và thiếu bàn ghế để làm việc.

Trong khi đó công việc thì nhiều, yêu cầu đặt ra lại cao. Tôi nhớ số báo đầu tiên phải nhờ đến thiết bị kỹ thuật của Báo Cà Mau, rồi phải mang đi Sài Gòn in. Vậy là 5 số báo đầu của Bạc Liêu ra đời, trong đó có cả tờ báo xuân, là những tờ báo màu sắc rực rỡ, nội dung chuyển tải các thông tin về chia tách tỉnh, động viên cổ vũ cán bộ và nhân dân vượt khó khăn, ổn định để phát triển tỉnh mới…

Sau đó, lãnh đạo Báo Bạc Liêu sắp xếp bộ máy, nơi ăn chốn ở cho anh em, tranh thủ Tỉnh ủy xin thiết bị kỹ thuật, tăng cường thêm nhân sự. Rồi Tỉnh ủy cấp kinh phí cho mua 5 cái máy vi tính, một thiết bị thu phát vệ tinh parabol, máy scan ảnh và bàn ghế… Đồng thời tổ chức hội nghị cộng tác viên, qua đó đã có hơn 50 cộng tác viên tham gia viết bài, đưa tin; phối hợp với Báo Tuổi Trẻ mở hội nghị phát hành với tham vọng phát hành rộng rãi, số lượng ngày càng nhiều. Thời điểm “chân ướt chân ráo” ấy, Báo Bạc Liêu phát hành ở cả tỉnh Cà Mau, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh. Đồng nghiệp của tỉnh vào thời ấy đã đánh giá báo Bạc Liêu là một tờ báo đẹp của ĐBSCL. Rồi tin vui nữa đến trong năm đầu tiên, tờ báo Xuân Bạc Liêu đoạt giải Ba Hội Báo Xuân toàn quốc…

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh chúc mừng khai trương trang thông tin điện tử Bạc Liêu Online 1/9/2011. Ảnh: M.Đ

Đời sống xã hội những năm đầu chia tách tỉnh đầy ngổn ngang, bề bộn. Đất nước đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, dấu hiệu chuyển động tích cực đã rõ, nhưng thị xã Bạc Liêu vẫn nghèo nàn với những dãy phố rêu phong, cổ kính. Càng đi sâu vào nông thôn càng thấy cái nghèo hiện diện khắp nơi. Vùng Bắc Quốc lộ 1A tuy được hưởng lợi từ chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau đã vài năm, nhưng nền sản xuất đa phần vẫn độc canh cây lúa. Còn vùng Nam Quốc lộ 1A đã có hiện tượng bỏ cây lúa, lấy nước mặn vào rồi ngồi chờ con nước rong để đặt đó bắt tôm, được chăng hay chớ.

Lúc bấy giờ, chủ trương về đẩy mạnh sản xuất, tiến lên sản xuất nông nghiệp bền vững của Đảng không chỉ phù hợp với tình hình chung, mà còn phù hợp với tình cảm của các nhà báo. Thế là trang Nông nghiệp - nông thôn ra đời phản ánh tiềm năng, thực trạng, đời sống và yêu cầu đặt ra đối với các vùng. Vùng Bắc thì lên tiếng phải đưa khoa học - kỹ thuật vào để thâm canh, tăng vụ, chuyển hướng đa canh đa con; vùng Nam thì yêu cầu nâng vị thế của nghề nuôi tôm lên, trên cơ sở đó mà đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật để tiến lên nuôi quảng canh cải tiến và nuôi công nghiệp. Từ đó Báo Bạc Liêu mở ra các chuyên mục: Mô hình nhà nông, Cùng nông dân làm giàu, Sáng kiến nhà nông… để phản ánh nguyện vọng nông dân, để phổ cập kiến thức sản xuất cho họ.

Bạc Liêu ngày càng đi lên, sự vận động phát triển của nó trở nên phong phú, đa dạng. Vì thế, yêu cầu phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân và các yêu cầu thông tin khác của đời sống xã hội ngày càng cao, đa dạng. Ý thức được yêu cầu này, Báo Bạc Liêu đã có chiến lược đào tạo con người, bổ sung lực lượng. Mặt khác, bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật, liên tục đổi mới chuyên trang, chuyên mục, cập nhật những vấn đề nóng bỏng nhất, chẳng những phản ánh mặt tốt mà còn đi sâu chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.

Đến giai đoạn 2010 - 2015, Bạc Liêu chuyển trọng tâm đầu tư, vừa lo cho nông nghiệp - nông thôn vừa đẩy mạnh công nghiệp, dịch vụ du lịch theo hướng hiện đại hóa. Để thực hiện đường hướng này, Bạc Liêu nâng du lịch thành thế mạnh mũi nhọn rồi đẩy mạnh phát triển văn hóa để văn hóa làm động lực cho kinh tế phát triển bền vững.

Báo Bạc Liêu ban đầu là tờ báo 8 trang, sau đó được nâng lên 12 trang, 16 trang; từ tờ báo mỗi tuần chỉ phát hành 1 kỳ, sau được nâng lên 2 kỳ, rồi 3 kỳ vào năm 2004. Và hiện tại, báo Bạc Liêu có báo chữ Việt, chữ Khmer và báo điện tử.

Ngoài công việc làm báo, Báo Bạc Liêu còn tham gia làm công tác xã hội từ thiện. Đó là tư vấn mùa thi, tặng dụng cụ học tập, học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Thông qua các việc làm mang tính nhân văn đó, Báo Bạc Liêu đã đùm bọc, giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh vượt qua cơn nguy khốn…

Bạc Liêu tổ chức đại lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh (1/1/1997 - 1/1/2017). 20 năm là quãng thời gian dài đủ để nhìn ngắm, soi xét chặng đường mình đã đi qua một cách thấu đáo nhằm rút kinh nghiệm cho chặng đường đi tới. Đây là một việc làm mang ý nghĩa sâu sắc. Nhìn chung, về cơ bản, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Bạc Liêu là những người nhiệt thành, có lòng tự trọng. Tác phẩm của họ luôn tỏ ra đồng điệu với sự vận hành, phát triển của tỉnh và cũng để xứng danh với một vùng đất có chiều sâu văn hóa và một lịch sử báo chí rạng rỡ.

Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.