Giáo dục - Học Đường

Giáo dục vùng sâu bứt phá vượt lên

Thứ Hai, 16/01/2017 | 14:58

Tách ra từ tỉnh Minh Hải, Bạc Liêu “làm lại từ đầu” với xuất phát điểm thấp. Thời điểm ấy, trình độ dân trí còn rất thấp, cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực phục vụ sự nghiệp giáo dục còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Và thiệt thòi nhất chính là học trò vùng sâu, vùng xa. Vậy mà, sau 20 năm, giáo dục vùng sâu đã có bước chuyển mình ngoạn mục…

Giờ học tiếng Anh theo mô hình trường học mới (EVEN) của thầy trò Trường tiểu học Trần Kim Túc (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân). Ảnh: Đ.K.C

Một thời gian khó…

Ngồi học trong ngôi trường khang trang, với trang thiết bị phục vụ dạy học hiện đại, học trò Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) hôm nay khó có thể hình dung được một thời gian khó của trường này trước đây. Cô Nguyễn Thị Phụng, Phó Hiệu trưởng trường, vẫn còn nhớ như in những ngày tháng trường còn đóng ở Cua 50 (nay thuộc xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) với tên gọi Trường PTCS Điền Hải. Lúc bấy giờ, trường chỉ có khoảng 10 giáo viên với 2 phòng học bằng cây lá tạm bợ; đời sống giáo viên gặp rất nhiều khó khăn và nếu như không có sự cưu mang, đùm bọc của bà con địa phương thì có lẽ nhiều thầy cô khó có thể bám trụ với nghề. Năm 1989, trường dời về địa điểm mới trong chợ Kinh Tư cũ nhưng vẫn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Cả thầy cô và người dân địa phương phải xắn tay vào đào đất, đắp nền, dùng cây lá địa phương để dựng lên những lớp học tình thương theo kiểu “dã chiến”. Sau giờ lên lớp, có hôm giáo viên trường phải mang thau đi mượn gạo bà con chòm xóm về nấu cơm, tăng gia sản xuất, bán buôn để có tiền trang trải cuộc sống. Năm 1997, trường dời về địa điểm hiện tại và đổi tên thành Trường THCS Điền Hải A. Trong ký ức của nhiều thầy cô lớn tuổi, khi ấy trường chỉ có 2 phòng học cũ đã xây dựng từ lâu, nhưng vẫn là mái lá, sân trường lầy lội sình bùn, lớp học thì dột nát vào mùa mưa. Vậy mà thầy và trò trường vẫn cùng nhau vượt qua gian khó.

Sau khi tái lập tỉnh 1 năm, Trường tiểu học Thuận Hòa 4 được tách ra từ Trường tiểu học Thuận Hòa 2 (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu). “Hồi mới thành lập, trường chỉ có 6 phòng học bằng cây lá, mái lợp tôn với 8 lớp. Xung quanh chưa có hàng rào bảo vệ, sân trường ngổn ngang, hễ mưa lớn là chìm trong biển nước. Tội nghiệp nhất là đám học trò, giờ ra chơi cứ xính vính trong lớp học vì không có chỗ để vui đùa…”, thầy Lê Tuấn Kiệt, Hiệu trưởng trường, nhớ lại.

Kể về những tháng ngày gian khó khi mới thành lập trường, thầy Lê Quốc Khởi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Kim Túc (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) cũng không khỏi bồi hồi: “Trường được thành lập từ việc sáp nhập 2 điểm lẻ tiểu học A và tiểu học C (ấp Thống Nhất, xã Ninh Thạnh Lợi). Ban đầu trường chỉ có 7 phòng học, khu làm việc của cán bộ quản lý thì sử dụng tạm phòng chờ của dự án; cơ sở vật chất, phòng ốc không đáp ứng cho hoạt động của bộ máy nhà trường. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học ban đầu gần như chỉ là con số không; đội ngũ cán bộ được sáp nhập từ nhiều trường nên cũng gây khó khăn cho công tác quản lý; và trình độ chuyên môn của giáo viên còn nhiều hạn chế…”.

Những thay đổi diệu kỳ

Năm 2002, Trường THCS Điền Hải A được nâng lên thành Trường THPT Điền Hải với 2 cấp học THCS và THPT. Nhiều dãy phòng được xây mới, khang trang hơn, hiện đại hơn; trang thiết bị, đồ dùng dạy học cũng được đầu tư, nâng cấp… trong niềm vui khôn xiết của thầy trò nhà trường. Năm học 2012 - 2013, trường tiếp tục chia tách một lần nữa và trở thành THCS Lê Hồng Phong ngày nay. Vinh dự được giảng dạy và học tập trong ngôi trường mang tên cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, thầy và trò nhà trường luôn nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng giáo dục, phấn đấu trở thành lá cờ đầu khối THCS huyện nhà. Và thành quả của những nỗ lực ấy là trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2015. Trường còn là Tập thể Lao động xuất sắc nhiều năm liền. Hiện tại, trường có 60 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; trong đó, 100% giáo viên đạt chuẩn, hơn 71% trên chuẩn và gần 100% giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện. Số lượng học sinh giỏi, học sinh đoạt giải cao tại các kỳ thi các cấp cũng tăng dần đều qua từng năm học. Lý giải cho những đổi thay kỳ diệu này, lãnh đạo trường cho rằng đó là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức, đoàn thể, mạnh thường quân và ý thức tự nguyện tự giác của người dân, cán bộ, giáo viên trường trong công tác xã hội hóa giáo dục.

Những đổi thay ngoạn mục của Trường tiểu học Thuận Hòa 4 ngày hôm nay là nhờ sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền, người dân địa phương và những chính sách ưu ái của Đảng và Nhà nước. Từ việc hiến đất của người dân, trường đã có điều kiện để xây dựng thêm phòng học, mở rộng diện tích sân bãi, khuôn viên. Hiện tại, trường có 23 phòng; trong đó có 19 phòng học và 4 phòng chức năng. Phong trào xã hội hóa giáo dục, sự chung tay của các tổ chức, mạnh thường quân hàng năm đã giúp hơn 68% học sinh nghèo, con em đồng bào dân tộc Khmer của trường an tâm đến lớp, nỗ lực cùng trường nâng cao chất lượng mũi nhọn, cũng như đại trà. Dù chỉ đạt được 4 tiêu chuẩn trên lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng thầy và trò nhà trường đang cố gắng hoàn thành tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, tiến tới trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2018, đúng dịp kỷ niệm 20 năm thành lập trường.

Cũng nhờ phong trào hiến đất xây trường mà Trường tiểu học Trần Kim Túc có được “cơ ngơi” như ngày hôm nay. Thầy Lê Quốc Khởi vẫn không quên được ngày trường chuẩn bị dời điểm trung tâm về ấp Chủ Chọt, thầy cùng nhiều giáo viên dự định sẽ vận động bà con hiến đất xây trường. Chưa mở lời thì nhiều người đã chủ động “đánh tiếng” xin hiến đất của gia đình, chung tay cùng Nhà nước giúp con em ở địa phương có chỗ học hành đàng hoàng. Hơn 4.000m2 mà trường đang tọa lạc hiện tại chính là phần đất của gia đình chú Hồ Cảnh Sến (người dân địa phương). Theo lộ trình, sau khi xây thêm 6 phòng học và khu hiệu bộ, trường sẽ được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2017.

Tình yêu, tâm huyết của các thầy cô giáo và những người dân chân chất, mộc mạc ở những vùng quê nghèo khó dành cho sự nghiệp giáo dục khiến chúng tôi có cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào sự đổi thay diệu kỳ, ngoạn mục hơn nữa của giáo dục vùng sâu trong tương lai.

KIM TRÚC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.