Làng nghề truyền thống: Những bước phát triển mới

Thứ Ba, 17/01/2017 | 10:35

Năm 2016, những làng nghề truyền thống ở Bạc Liêu đã có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá trong công nghệ. Nhiều người dân làng nghề đã mua sắm những loại máy móc để thay thế sản xuất thủ công, nhờ đó nhiều mặt hàng truyền thống không ngừng vươn ra các thị trường lớn trong và ngoài nước.

Bà Võ Thị Tư (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) chọn nguyên liệu để dệt chiếu hoa.

Dệt chiếu bằng máy ở cơ sở của cô Nguyễn Thị Mum (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân). Ảnh: P.Đ

Nằm trong những xóm ấp yên bình của Bạc Liêu là nhiều làng nghề đã có tuổi hơn trăm năm. Từ lâu, nhiều người dân không còn xa lạ với những cái tên vốn đã thành thương hiệu như: dao Ngan Dừa, bánh tằm Ngan Dừa, chiếu hoa Ngan Dừa, cần xé Phước Long, bánh tráng Hồng Dân… Những năm qua, nhiều làng nghề đã “thay da đổi thịt” bằng việc từng bước trang bị máy móc hiện đại.

Cô Nguyễn Thị Mum (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) cho biết: “Nhà tôi dệt chiếu hơn 4 đời, ngày xưa phần lớn dệt thủ công. Nhà nào làm giỏi, tay nghề cao thì mỗi ngày dệt được 2 đôi chiếu. Bây giờ được trang bị máy móc thì một ngày có thể dệt từ 2 - 4 đôi chiếu. Chiếu dệt máy dày hơn, chắc hơn và bán được giá hơn. Nếu chiếu thường có giá khoảng 100.000 đồng/đôi, thì chiếu dệt máy có giá lên đến 200.000 đồng/đôi. Việc đầu tư máy móc không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn tăng giá trị sản phẩm”.

Bên cạnh đó, những làng nghề đan đát cũng không ngừng mở rộng nguồn nguyên liệu, đổi mới máy móc, thiết bị qua các chương trình hỗ trợ khuyến công. Năm 2016, làng nghề đan mê bồ, cần xé và làm các sản phẩm thủ công ở huyện Phước Long đã được hỗ trợ từ khâu thu mua nguyên liệu, trúc giống và phân bón để trồng. Đã có gần 200/300 hộ trong làng nghề được hỗ trợ. Đồng thời những chiếc máy chẻ nan, vót mảnh thay thế cho phương pháp chẻ trúc bằng tay giúp người làm nghề tăng năng suất lao động. Chị Bùi Hồng Xuyên, Trưởng ban làng nghề ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long), chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và công nghệ, tôi và bà con đã nỗ lực đưa sản phẩm của làng nghề xuất khẩu ra nước ngoài. Trong tương lai, chúng tôi có thể sẽ không còn phải đối mặt với cảnh nguồn nguyên liệu (trúc) tăng giá bất thường”.

Điểm đặc biệt của những làng nghề ở Bạc Liêu là dù sản xuất ngày càng hiện đại hóa nhưng sản phẩm vẫn giữ những nét thủ công truyền thống, chất lượng, mẫu mã ngày càng tốt hơn, đẹp hơn. Đơn cử như chiếc bánh tráng Ngan Dừa, mặc dù sử dụng máy móc hiện đại để sản xuất, nhưng bánh vẫn giữ hương vị riêng, được nhiều người ưa chuộng.

Việc hỗ trợ nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, tìm kiếm đầu ra sản phẩm của ngành chức năng mở ra cho các làng nghề một cơ hội phát triển bền vững. Trong tương lai, làng nghề gắn với du lịch là một sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa và phát triển kinh tế. Qua đó, các làng nghề có dịp quảng bá sản phẩm của mình đến với khách du lịch trong và ngoài nước.

Phạm Đoàn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.