Giáo dục - Học Đường

Chuyện về những dòng họ học tập ở quê nghèo

Thứ Sáu, 20/01/2017 | 15:46

Là những nông dân cả đời lam lũ, thậm chí sống bằng đồng tiền công làm mướn, nhưng giữa bao bộn bề khó khăn, nghèo khó, việc học của con cháu trong dòng tộc vẫn luôn được họ dành sự ưu tiên hàng đầu. Chính nhờ những “nhà đầu tư” phóng khoáng ấy mà bao lớp trẻ đã thành danh và trở thành những nhân tố tích cực góp sức cho vùng quê nghèo “thay da đổi thịt”.

* Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.

* Gia đình cô Đàm Tú Quyên và con gái, con rể là giáo viên.

Ảnh: Đ.H

Mở đường cho phong trào học tập

Huyện Hồng Dân là địa phương phát triển gia đình học tập đứng thứ nhì trong tỉnh. Lạ thay, khi vùng đất được xem là nghèo nhất lại là nơi có nhiều tấm lòng ưu ái cho giáo dục. Về ấp Tà Ben (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân), nghe nhiều người ca ngợi về truyền thống hiếu học của dòng họ Ngô. Người giúp con cháu mình nối dài ước mơ từ ruộng đồng đến các giảng đường đại học chính là ông Ngô Sơn Thạch.

Thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, gia đình ông Thạch sống chật vật bằng những công việc làm thuê và liên tục bị giặc ruồng bố. Trong khó khăn đó, 8 người con của vợ chồng ông lần lượt lớn lên. Với suy nghĩ “lớp trẻ phải được đi học cho ích nước, lợi nhà”, vợ chồng ông không nề hà cực nhọc, làm đủ mọi công việc từ tờ mờ sáng đến đêm khuya để “dọn đường” cho các con đến với chữ nghĩa. Thời nay, chuyện cho con ăn học là chuyện ngày càng nhiều. Nhưng ông Thạch là người sớm lo và đã lo đến nơi đến chốn để các con trở thành người hữu ích cho quê hương, nên càng được quý trọng. Ngoài 2 người con lớn nối nghiệp ruộng đồng, 6 người con còn lại của ông đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học và có công việc ổn định. Trong đó, 3 người con gái làm y sĩ thì ông bà cũng có thêm 3 chàng bác sĩ làm rể hiền. Riêng 3 con trai thì có 2 anh gắn bó với bục giảng, anh còn lại là Ngô Việt Cương, hiện là Bí thư Đảng ủy thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân). Ở tuổi 80, vợ chồng ông Thạch sống an nhàn cùng vợ chồng người con trai út Ngô Việt Rum và 2 cháu nội, một là sinh viên đại học, một là học sinh THCS. Thầy Rum vốn là giáo viên Trường tiểu học Võ Trường Toản của xã, đã gắn bó nhiều năm với giáo dục huyện nhà và từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác giáo dục địa phương.

Bây giờ, ông Thạch ngồi nhẩm lại tính ra mình đã có 20 đứa cháu nội, ngoại. Rồi ông cười mãn nguyện khi các con cháu đều học hành đàng hoàng - đó là cách yêu nước thiết thực nhất. Còn người dân ở đây vẫn nhớ đến ông như một người “mở đường cho phong trào học tập ở xã”, vì từ sự quyết tâm cho con cháu học hành của ông đã thắp lên ngọn lửa để phong trào nhà nhà học tập ngày thêm rộng khắp.

 

Dành trọn tình yêu cho giáo dục

Người ta thường ví người dân quê nuôi con ăn học là những “người lấy táo đong chữ cho con”. Nhưng nhìn khác đi, họ chính là những “nhà đầu tư” có cái nhìn thời đại. Không kinh doanh, không cho vay lấy lãi, họ đầu tư hết mình và hào phóng cho một lĩnh vực đem lại nhiều “lợi nhuận” mà ít người thấy: giáo dục! Chính vì vậy mà về ấp Tam Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) hỏi về dòng họ Đàm thì ai cũng biết. Họ Đàm không chỉ là dòng họ học tập, sống nền nếp, mà còn là dòng họ đã dành hết công sức của mình cho giáo dục.

Mấy mươi năm trước, khi là người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ở xứ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi), đôi vợ chồng Đàm Văn Nù - Võ Thị Lan đã sớm nặng lòng với nghiệp giáo dục. Mơ ước của ông bà là các con của mình đều có chữ nghĩa, càng nhiều càng tốt, mà xa hơn là mang cái chữ ấy gieo mầm cho bao thế hệ trẻ  ở vùng quê này. Để thực hiện được ước mơ đó cho tất thảy 6 người con (4 gái, 2 trai) quả là một hành trình không dễ dàng. Nó được đổi bằng mồ hôi, nước mắt, có khi bằng cả những vết nứt ứa máu trên đôi bàn tay chai sạn của bậc làm cha mẹ. Thế nhưng, động lực mà ông bà có được chính là những núm ruột của mình đều rất ham học, không quản ngại thiếu thốn hay sình lầy vượt hàng chục cây số tới trường. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, vợ chồng ông Nù lại ngồi ung dung bên tách trà mà nhìn thành quả ngọt ngào của mình. Không vui sao được khi các con đều thành đạt, rồi có thêm dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại đều theo ngành Giáo dục.

Tôi đến nhà của cô Đàm Tú Quyên (kế toán Trường THCS Lý Thường Kiệt, huyện Vĩnh Lợi) - con gái lớn của ông Nù, nơi có rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp Hội Khuyến học ghi nhận thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài của dòng họ. Cô Quyên tâm sự: “Gia đình tôi luôn mong muốn gắn bó với giáo dục, từ đời tôi rồi đến đời con tôi, mỗi người đều có nhiều cơ hội nghề nghiệp đầy hứa hẹn, nhưng rồi ai cũng yêu mến nghề giáo mà quyết tâm theo đuổi và sống trọn tình với nghề”. Với tình yêu đó, cô đã kết duyên với thầy Lê Quốc Dự hiện là Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Bội Châu (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi). Thầy cô có 2 người con gái và cả hai đều là giáo viên.

Vậy mới thấy hết tình yêu đối với giáo dục đã được nung nấu và truyền lại cho nhiều thế hệ của dòng họ Đàm. Con cháu dòng họ Đàm dường như đã phủ kín các ngôi trường ở vùng quê này với nhiều tên tuổi nhà giáo thâm niên như: cô Đàm Mộng Nghi, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sao Mai; thầy Đàm Văn Trường, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cửu Long 2; thầy Đàm Văn Nhật, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Bội Châu…

Bạc Liêu dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà tấm lòng thơm thảo của những nông dân, học trò nghèo dành cho giáo dục vơi bớt. Những tấm lòng ấy đã đưa phong trào học tập của Bạc Liêu đến những thành tích đáng tự hào. “Năm 2016, Bạc Liêu có trên 140 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Hội Khuyến học Trung ương, cấp tỉnh tuyên dương vì có nhiều thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Bạc Liêu đến nay có trên 44.300 gia đình học tập, trên 800 dòng họ học tập và gần 250 cộng đồng, đơn vị học tập. Kết quả này không chỉ là nỗ lực của các địa phương, các cấp Hội mà hơn hết là sự dốc sức âm thầm của chính những người nông dân chân đất. Họ xứng đáng được đứng trên bục vinh quang khi đã dùng cả đời mình để hun đúc cho phong trào học tập”, bà Nguyễn Thị Quế Phượng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, chia sẻ.

Thanh Hải

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.