Mưa trái mùa: Cần chủ động phòng bệnh cho cây lúa và con tôm

Thứ Hai, 13/02/2017 | 16:58

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những ngày qua nhiều nơi trong tỉnh xuất hiện các trận mưa trái mùa gây khó khăn trong sản xuất của nông dân. Nguy cơ con tôm, cây lúa bị dịch bệnh, sâu rầy tấn công do điều kiện thời tiết bất lợi khá cao. Bên cạnh phòng chống dịch bệnh bảo vệ mùa màng, việc thay đổi cơ cấu mùa vụ để thích ứng với biến đổi khí hậu là rất cần thiết.

Nỗi lo con tôm, cây lúa bị dịch bệnh

Thời điểm này, 46.282ha lúa đông xuân ở vùng Bắc Quốc lộ 1A đang ở giai đoạn đẻ nhánh, trổ bông gặp phải điều kiện thời tiết bất lợi nên dễ dàng bị sâu bệnh phá hại. Ông Đào Duy Ân (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Năm nay, bà con ở đây thu hoạch lúa thu đông trễ nên xuống giống vụ đông xuân cũng trễ. Hiện nay lúa đông xuân mới hơn 20 ngày tuổi. Năm nay, do thời tiết nắng nóng lại kèm theo mưa nên cây lúa dễ nhiễm sâu bệnh. Các loại bệnh thường thấy là rầy nâu, sâu cuốn lá, bọ trĩ… Nếu sâu bệnh phá hại lúa quá nhiều thì chi phí sản xuất vụ lúa sẽ tăng”.

Nông dân xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh vụ lúa đông xuân.

Nông dân huyện Hòa Bình cải tạo ao đầm chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới. Ảnh: P. Đoàn - T. Quang

Bên cạnh nỗi lo về dịch bệnh phá hại lúa, những hộ nông dân sản xuất lúa đông xuân còn phải đối mặt với tình trạng khô hạn, thiếu nước ở cuối vụ.

Con tôm là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi thời tiết thay đổi đột ngột. Theo ông Nguyễn Minh Tân (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình): “Năm nay, trời nắng nóng mà không khí lại ẩm, về đêm nhiệt độ lại xuống thấp làm cho tôm nuôi khó phát triển. Đặc biệt, sau những trận mưa trái mùa, nếu không kiểm soát môi trường nước trong ao nuôi thì rủi ro của con tôm rất cao. Biến đổi khí hậu làm cho người nuôi tôm càng ngày càng gặp nhiều khó khăn”.

Những loại bệnh mà con tôm thường hay mắc phải là tôm nhiễm MBV, tôm nhiễm đầu vàng, nguồn nước nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus lây lan sang tôm…

Tích cực phòng ngừa dịch bệnh

Ngành Nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người dân tập trung phòng chống sâu bệnh để bảo vệ cây trồng - vật nuôi. Đối với diện tích lúa đông xuân sớm ở các địa phương thuộc huyện Phước Long, Hồng Dân, bà con cần nhanh chóng thu hoạch dứt điểm. Song song đó là thăm đồng thường xuyên để theo dõi diễn biến của sâu bệnh trên trà lúa đông xuân chính vụ và đông xuân muộn; chủ động phòng chống bệnh đạo ôn lá.

Mới đây, Sở NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương gồm: huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, TX. Giá Rai vận động nông dân ngừng xuống giống lúa đông xuân để đảm bảo lịch thời vụ cho sản xuất vụ lúa hè thu sắp tới.

Đối với người nuôi tôm, ngành Nông nghiệp huyện Hòa Bình khuyến cáo bà con chủ động phòng bệnh. Đó là khi xuất hiện những cơn mưa trái mùa, bà con cần đảm bảo độ pH, nhiệt độ và độ mặn trong ao ổn định. Do đáy ao thiếu ôxy và xuất hiện khí H2S độc hại làm cho con tôm bị sốc môi trường. Để tránh rủi ro cho tôm nuôi, bà con cần thực hiện các biện pháp sau: Chạy quạt và rút bỏ lớp nước mặt ngay trong lúc mưa; đánh vôi thêm vào ao nuôi; ngưng cho tôm ăn sau những cơn mưa lớn; đối với những ao nuôi vùng đất phèn phải rút nước phần đáy ao; ngoài ra có thể thêm vitamin C hoặc khoáng tạt vào ao…

Mặc dù ngành quản lý đã có nhiều giải pháp để giúp nông dân ổn định sản xuất. Tuy nhiên, về lâu dài, việc tái cơ cấu sản xuất đối với nuôi trồng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu là giải pháp cần thiết.

PHẠM ĐOÀN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.