Nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm Văn hóa

Thứ Tư, 22/02/2017 | 16:12

Trung tâm Văn hóa (TTVH) là nơi có chức năng tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin ở cơ sở; tổ chức các dịch vụ công về văn hóa thông tin. Song, hoạt động của một số TTVH hiện nay chưa đạt hiệu quả cao do nhiều nguyên nhân.
Đìu hiu như… chợ chiều!
So với trước đây, phong trào văn hóa - văn nghệ trên toàn tỉnh đã hiện đại, hoành tráng hơn về quy mô tổ chức, thu hút đông đảo bà con nhân dân đến thưởng thức. Các chương trình được đầu tư kỹ lưỡng về nhiều mặt như: sân khấu, phục trang, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng… Thành công bước đầu là đáp ứng phần nào nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, giải trí của người dân. Song, đó chỉ là hoành tráng “theo mùa”! Tức là, khi nào các TTVH ở cơ sở có tổ chức chương trình văn nghệ theo dòng sự kiện của tỉnh hoặc tham gia các hội thi, liên hoan, hội diễn theo lời mời tỉnh bạn, Trung ương; đăng cai các hoạt động văn hóa - văn nghệ của tỉnh… thì tổ chức quy mô, người dân đến xem chật kín. Còn tổ chức theo dạng phục vụ tại chỗ cho nhân dân địa phương thì thường rơi vào tình trạng “đìu hiu như chợ chiều”!
Ông Vưu Long Vỹ, Giám đốc TTVH tỉnh, nhìn nhận: “Thực tế hoạt động ở các TTVH huyện, thị xã, thành phố còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn kinh phí hạn hẹp. Ngoài ra, biên chế cho các TTVH quá ít, dẫn đến thiếu cán bộ chuyên ngành phụ trách chuyên môn cho trung tâm. Trong khi nhiều bạn trẻ, cộng tác viên có bằng đúng chuyên ngành thì vướng tiêu chí biên chế nên không xin vào được”.
Một thực trạng nữa ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các TTVH là thiếu nơi để sinh hoạt. Toàn tỉnh hiện chỉ có 3/7  đơn vị (huyện Hòa Bình, Phước Long và TX. Giá Rai) là có khu đất để TTVH phát huy tác dụng. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của phong trào ở các địa phương. Giám đốc TTVH TP. Bạc Liêu - Huỳnh Quang Vinh, chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi chỉ có trụ sở để làm việc, làm nơi tập dượt văn nghệ tạm thời cho anh em diễn viên, còn chỗ tổ chức các hoạt động ổn định thì chưa có. Chủ yếu chúng tôi phối hợp với các đơn vị khác để tổ chức phong trào”. 

Tiểu phẩm của đơn vị huyện Đông Hải tham gia hội thi Tuyên truyền lưu động tỉnh Bạc Liêu lần thứ X. Ảnh minh họa: N.V

 

Cần giải pháp đồng bộ
Để các TTVH thật sự là sân chơi của quần chúng, không rơi vào cảnh “đìu hiu như chợ chiều” bởi thiếu vắng các hoạt động thì cần thực hiện những giải pháp đồng bộ từ nhiều phía.
Trước hết, các TTVH cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên hùng hậu. Ngoài cán bộ cơ hữu thì các TTVH huyện, thị xã, thành phố cần xây dựng mối quan hệ với nhiều ngành như: trường học, lực lượng vũ trang, đoàn thể, thậm chí địa bàn dân cư… để tạo nguồn cộng tác viên phong phú. Bởi đây chính là lực lượng góp phần tạo nên chất lượng cho phong trào. Điển hình như TTVH huyện Hồng Dân chỉ có 8 biên chế và 4 hợp đồng. Cho nên, đơn vị này đã xây dựng hệ thống cộng tác viên từ nhiều nguồn. Ông Nguyễn Văn Ngươi, Giám đốc TTVH huyện Hồng Dân, chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi quản lý hơn 40 cộng tác viên. Trong đó trên 50% là người dân tộc Khmer, đảm bảo đáp ứng tốt cho nhiều chương trình phục vụ đồng bào dân tộc. Nguồn cộng tác viên này luôn được duy trì để phục vụ cho các chương trình khi cần thiết”. 
Giải pháp thứ hai là liên kết, phối hợp với các ban ngành để thực hiện công tác xã hội hóa nhằm tạo ra tính liên tục và phong phú cho phong trào. Xã hội hóa nhằm tạo nguồn kinh phí linh động để TTVH huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, đảm bảo phục vụ tốt cho quần chúng nhân dân. Hơn nữa, từ nguồn vận động này, các TTVH còn có thể đào tạo cán bộ có tay nghề hơn, vững chuyên ngành để hoạt động văn hóa ngày càng hiện đại theo xu thế mới. 
Ngọc Vũ 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.