Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử: Những đề xuất tâm huyết

Thứ Hai, 27/03/2017 | 16:11

Dù được xem là một trong những “chiếc nôi” quan trọng của phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ, nhưng Bạc Liêu vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trên hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được UNESCO vinh danh. Nhìn nhận rõ vấn đề này, những người trong cuộc đã đưa ra nhiều “kế sách” với mong muốn ĐCTT được gìn giữ, tôn vinh đúng giá trị.
Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT: 
“Tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp”

Việc triển khai và thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT là góp phần thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Việc thực hiện đề án cốt lõi là nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực, nhận thức của nhân dân về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật ĐCTT, từng bước nâng cao chất lượng phong trào ở các địa phương và phục vụ khách du lịch.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đối với những nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân tiêu biểu cần phải có chế độ bồi dưỡng thỏa đáng khi họ tham gia truyền dạy, tỉnh hỗ trợ hoặc phân cấp cho các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ. Các liên hoan ĐCTT cần đổi mới nhiều khía cạnh như bài bản mới cho phù hợp, đội ngũ nghệ nhân tài tử bên cạnh những người cũ phải có người mới, trẻ để kế thừa. Bên cạnh việc đưa ĐCTT vào giảng dạy như hiện nay cần tính đến việc đào tạo bài bản lực lượng nghệ nhân tài tử kế thừa; cùng với việc sử dụng ngân sách Nhà nước thì phải có sự kết hợp với nguồn xã hội hóa…

Ông Trần Phước Thuận, tác giả nghiên cứu văn hóa, lịch sử Bạc Liêu: 
“Khuyến khích hình thức kế thừa dân gian”

Để bảo tồn nghệ thuật ĐCTT xứng đáng với giá trị di sản văn hóa thế giới, vấn đề đào tạo bằng trường lớp bài bản, chuyên nghiệp là vô cùng quan trọng. Song, hình thức kế thừa dân gian cũng là một giải pháp cần được khuyến khích gìn giữ. Ngày trước, các bậc tiền bối chẳng phải đã trao truyền ngón đờn, lời ca tuyệt diệu cho thế hệ tiếp nối mà chẳng cần giáo trình, lớp học đàng hoàng. Hay ngày nay, nhiều câu lạc bộ, gia đình, tổ, nhóm ĐCTT ở Bạc Liêu cũng tiếp tục yêu và gìn giữ loại hình nghệ thuật này theo kiểu “cha truyền con nối”, người rành dạy cho người chưa rành...
Tuy nhiên, việc trao truyền này cần có sự tham gia hỗ trợ, định hướng của ngành chức năng để ĐCTT được giữ gìn đúng cách. Ngoài việc dạy kỹ năng đờn và ca, hình thức kế thừa dân gian nên quan tâm giúp người học hiểu lịch sử hình thành và phát triển của ĐCTT, hoàn cảnh ra đời các điệu thức, tác giả bài bản ĐCTT… Thiết nghĩ, cách làm này cũng là “chất xúc tác” làm cho tình yêu và trách nhiệm bảo tồn ĐCTT ngày càng lan tỏa, lớn mạnh trong mỗi nhà, mỗi người.

Nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT Bạc Liêu: 
“Phát huy vai trò lớp nghệ nhân gạo cội”

Có đến 13 nghệ nhân Bạc Liêu đang hoạt động ở lĩnh vực ĐCTT đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Ngoài ra, “đất tài tử” còn rất nhiều nghệ nhân gạo cội sở hữu ngón đờn, lời ca tài tình. Không chỉ đờn hay, ca giỏi, không ít nghệ nhân còn sáng tác lời mới, miệt mài nghiên cứu giúp cho ĐCTT ngày càng “ngấm sâu” trong đời sống xã hội. Có thể nói, họ chính là “tài sản” quý cần được tích cực phát huy trong lúc Bạc Liêu quyết tâm thực hiện công tác bảo tồn ĐCTT. Trước hết, cần có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ các nghệ nhân khắc phục cuộc sống khó khăn để tiếp tục gìn giữ đam mê. Đồng thời, thường xuyên mời các nghệ nhân trực tiếp giảng dạy ĐCTT để họ có điều kiện tiếp xúc, truyền “lửa” cho người học. Đặc biệt, rà soát lại những nghệ nhân có nhiều cống hiến cho loại hình nghệ thuật này nhằm kịp thời vinh danh, đề nghị phong tặng nghệ nhân ưu tú. 
Khưu Hoài Thương, thành viên Câu lạc bộ ĐCTT TP. Bạc Liêu: 
“Giới trẻ cần môi trường để giữ lửa đam mê”

Thực tế hiện nay, số lượng bạn trẻ dành tình yêu cho ĐCTT ở Bạc Liêu không ít. Tuy nhiên, các bạn chưa có nhiều môi trường thể hiện niềm đam mê và tài năng vì không có người hướng dẫn, thiếu sân chơi rèn luyện để nâng cao kỹ năng ca, đờn. Cũng vì vậy, giới trẻ quay lưng với loại hình âm nhạc dân tộc đang là thực trạng đáng trăn trở. Do đó, ngành chức năng cần tạo điều kiện để các bạn trẻ tiếp cận nhiều với ĐCTT bằng các hình thức như: hỗ trợ nhân lực, vật lực, tổ chức các cuộc thi, giao lưu ĐCTT dành cho giới trẻ; đưa ĐCTT trở thành một môn học chính thức trong trường (nội dung tùy theo từng cấp học)... Cố GS-TS Trần Văn Khê từng nói: “Có tạo cơ hội cho bạn trẻ gần gũi ĐCTT thì mới gây sự thích thú, thích rồi sẽ học, học rồi sẽ thấy được trách nhiệm bảo tồn và phát huy nó”.
Cẩm Thúy - Hữu Thọ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.