Ý kiến thảo luận đóng góp dự thảo Luật Quản lý ngoại thương

Thứ Hai, 27/03/2017 | 17:01

Để tham gia ý kiến xây dựng Dự án Luật Quản lý ngoại thương theo Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mới đây, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan đối với dự thảo Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình Dự án Luật Quản lý ngoại thương và dự thảo Luật Quản lý ngoại thương.

Đóng góp Luật Quản lý ngoại thương tại Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh. Ảnh: K.P

Về cơ bản, thống nhất ban hành Luật Quản lý ngoại thương nhằm khắc phục những điểm chưa hợp lý, tiếp tục hoàn thiện chính sách, công cụ pháp luật về quản lý ngoại thương, xây dựng một bộ luật phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta hiện nay, phù hợp với thực tế nước ta và tình hình thực tế hội nhập kinh tế thế giới. Tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể mang tính định hướng rõ ràng, ổn định, minh bạch, thống nhất, thể hiện triết lý “phi thương bất phú” đồng thời phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế. Xây dựng cơ sở pháp lý đủ mạnh (mức độ cao hơn, “đậm đặc” hơn) nhằm bắt kịp sự hội nhập kinh tế thế giới, tận dụng tối đa các lợi thế trong quan hệ thương mại song phương, đa phương. Theo đó, Luật Quản lý ngoại thương chuẩn bị ban hành phải là một công cụ giúp cho cơ quan quản lý nhà nước điều hành hoạt động ngoại thương một cách linh hoạt, trên tinh thần cải cách hành chính.

Thực tế hiện nay, trong quản lý hoạt động ngoại thương đang có sự chồng chéo giữa các bộ, ngành, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó tình trạng hàng nhập lậu về Việt Nam rất lớn qua nhiều đường (kể cả đường hàng không), gây thiệt hại lớn cho nguồn thu ngân sách của đất nước. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các nội dung của dự thảo luật và nghiên cứu các văn bản dưới luật để luật hóa một cách cụ thể, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ ngành; tránh chồng chéo trong quản lý hoạt động ngoại thương và tránh sự “vênh nhau” thậm chí mâu thuẫn giữa các luật đã ban hành như: Luật Thương mại 2005, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014, Luật Thuế xuất khẩu nhập khẩu 2016…

Việc quản lý kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang là vấn đề nóng trong thực tiễn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Lượng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành rất lớn, mất nhiều thời gian, trong khi công tác kiểm tra chuyên ngành lại thuộc thẩm quyền được quy định của nhiều bộ, ngành. Điều bất cập này cần phải được tháo gỡ bằng việc có những quy định cụ thể, rõ ràng, thống nhất giữa các bộ, ngành nhằm tránh phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa (hiện nay có 12 bộ, ngành đang có chức năng thanh tra, kiểm tra trong xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa).

Một số ý kiến cho rằng cần quy định chi tiết hơn những điều, khoản về nguyên tắc áp dụng để giảm bớt các điều, khoản giao cho Chính phủ quy định trong dự thảo luật, đồng nghĩa với giao trách nhiệm quá nhiều cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, không thông thoáng về cải cách hành chính. Nên mạnh dạn phân cấp quản lý hoạt động ngoại thương cho các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, các bộ, ngành Trung ương phải đóng vai trò chủ trì trong mối quan hệ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố; đồng thời các cơ quan và cấp chính quyền này phải chịu trách nhiệm về hoạt động ngoại thương trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương nên giảm bớt vai trò quản lý của cơ quan chức năng, tăng cường vai trò của các hiệp hội, ngành hàng nhằm bảo vệ cho doanh nghiệp và người sản xuất một cách xác thực hơn.

K.K (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.