Đẩy mạnh xã hội hóa, chăm lo cho đồng bào Khmer

Thứ Tư, 29/03/2017 | 16:41

Thời gian qua, ngành Dân tộc và các địa phương trong tỉnh đã tăng cường thực hiện công tác xã hội hóa nhằm chăm lo, hỗ trợ toàn diện hơn cho vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, góp phần thúc đẩy hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho hộ Khmer có hoàn cảnh khó khăn.

Ban Dân tộc tỉnh vận động trao quà cho đồng bào Khmer nghèo xã Phong Tân (TX. Giá Rai). Ảnh: H.T

Hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành hữu quan luôn dành nhiều nguồn lực để chăm lo, phát triển vùng tập trung đông đồng bào Khmer sinh sống. Bên cạnh đó, các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương cũng kịp thời được triển khai đến đối tượng thụ hưởng. Nhờ vậy, bộ mặt phum sóc ngày càng khởi sắc, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn một số hộ Khmer nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi các chính sách dân tộc chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của đồng bào thì xã hội hóa là việc làm thiết thực được ngành chức năng, chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm lo cho đồng bào theo hình thức xã hội hóa. Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh đã vận động xây cất, bàn giao 14 căn nhà tình thương cho các hộ Khmer gặp khó khăn về nhà ở (mỗi căn hỗ trợ 25 triệu đồng).

Là một trong số những hộ Khmer được hỗ trợ cất nhà tình thương, bà Trần Thị Hiểu (xã Phong Tân, thị xã Giá Rai) phấn khởi cho biết: “Trước đây, gia đình tôi phải sống trong căn nhà lụp xụp, cuộc sống chủ yếu trông chờ vào việc làm thuê. Nay được Ban Dân tộc tạo điều kiện xây nhà tình thương, gia đình tôi rất vui mừng. Chúng tôi sẽ cố gắng làm ăn để sớm vươn lên thoát nghèo”.

Cũng trong dịp này, Ban Dân tộc tỉnh đã vận động trao hàng ngàn phần quà cho hộ Khmer nghèo. Mặc dù trị giá các phần quà không cao nhưng cũng đã mang đến niềm vui, giúp bà con dân tộc nghèo đón tết Chôl Chnăm Thmây đầm ấm, hạnh phúc hơn. Bà Lâm Thị Mỹ Kiều - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Với mục đích chăm lo tốt hơn đời sống đồng bào Khmer, hoạt động xã hội hóa của Ban Dân tộc tỉnh luôn được các đơn vị, nhà hảo tâm, mạnh thường quân nhiệt tình ủng hộ. Theo đó, các nguồn hỗ trợ đã được triển khai đồng loạt đến đồng bào thuộc các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Sắp tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ vận động nhiều nguồn lực hơn để ngày càng có nhiều đồng bào được giúp đỡ an cư, ổn định cuộc sống”.

Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Dân tộc, nhiều địa phương trong tỉnh cũng tích cực thực hiện công tác xã hội hóa chăm lo cho đồng bào Khmer. Đơn cử như thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình), xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi)… đã làm tốt việc vận động để tiếp sức cho các “mặt trận”: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển y tế - giáo dục… Anh Tô Châu Hùng Luân - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Bình, cho biết: “Do nguồn lực địa phương còn hạn chế nên việc tăng cường xã hội hóa là giải pháp cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các ấp tập trung bà con Khmer sinh sống. Với sự hỗ trợ đó, thị trấn đã đầu tư phát triển giao thông nông thôn, trao phương tiện sản xuất, vốn cho hộ Khmer nghèo, tặng học bổng cho các em học sinh. Thực tế đã qua, nhiều hộ được giúp đỡ đã chí thú làm ăn và thoát nghèo ”.

Tăng cường xã hội hóa để chăm lo cho đồng bào Khmer nghèo là phong trào thiết thực đang được ngành Dân tộc, các địa phương thực hiện sôi nổi. Không những thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong đồng bào Khmer, hoạt động này còn góp phần giảm gánh nặng đầu tư của Trung ương, của tỉnh cho công tác dân tộc, tạo nhiều cơ hội hơn để đồng bào Khmer vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

TRỊNH HỮU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.