Tiêu điểm

Ký ức ngày đại thắng mùa Xuân năm 1975

Thứ Sáu, 28/04/2017 | 15:38

Người ta thường nói “Lịch sử không lặp lại hai lần” thế nhưng Bạc Liêu lại có hai lần giành chính quyền mà không nổ súng. Có nhiều người đã từng chứng kiến giờ phút đại thắng thiêng liêng ấy - giải phóng TX. Bạc Liêu (30/4/1975), nay tuổi đã cao, sức khỏe yếu…, nhưng ký ức về một thời hào hùng thì vẫn mãi vẹn nguyên.

Người dân xuống đường mừng ngày giải phóng TX. Bạc Liêu. Ảnh: Võ An Khánh

Cô Trần Kiên Định (Út Định) là một trong số những người có mặt trong ngày giải phóng miền Nam ở Bạc Liêu. Lúc bấy giờ, cô Út Định là Phó Bí thư Tỉnh đoàn, được sự phân công của cấp trên vào nội ô thị xã để cùng Thị đoàn chỉ đạo phong trào thanh niên, học sinh. Từ hoạt động bất hợp pháp nay chuyển sang hoạt động hợp pháp nên bước đầu gặp không ít khó khăn. Để vào được nội ô, cô phải cải trang là vợ của sĩ quan ngụy chết trận và che mắt địch bằng khăn tang quấn trên đầu. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bí thư Thị đoàn là cô Huỳnh Thanh Hoa (hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh), cô Út trú ngụ ở nhà cô Hai Tiến, một cơ sở hợp pháp của TX. Bạc Liêu tại phường 6. “Lúc bấy giờ, tôi nhận được lệnh may cờ mặt trận. Để tránh sự phát hiện, chị Hai Tiến phải túc trực canh gác cho tôi và các con của chị may cờ. Cờ may xong, nhưng chưa biết cách chuyển đến điểm hẹn, vì lệnh giới nghiêm không đi lại tự do được. Trước tình hình đó, chị Xuân Thảo (lực lượng Đội biệt động thị xã) phải nhờ một sĩ quan ngụy (là người của ta cài vào) tiếp sức”. Khi chuyển cờ trót lọt, để đảm bảo an toàn, cô Út Định về trú ngụ tại chùa Vĩnh Đức, tọa lạc ở phường 3. Tại đây, cô cùng một số anh em tập hợp học sinh, sinh viên chuẩn bị băng cờ xuống đường uy hiếp, buộc địch buông súng đầu hàng. Hoạt động của phong trào học sinh, sinh viên cùng các đồng chí Đội biệt động thị xã, Thị đoàn vô cùng quyết liệt, dũng cảm, mưu trí đã góp phần rất lớn trong thắng lợi lịch sử 30/4/1975…

Phong trào yêu nước, chống giặc ngoại xâm không chỉ phát triển trong học sinh - sinh viên mà còn lan rộng, hưởng ứng mạnh mẽ của nhiều tầng lớp, giai cấp, trong đó có phong trào công nhân ở Bạc Liêu. Là người trực tiếp phụ trách phong trào công nhân thị xã, đến giờ, cô Bùi Hồng Phương, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh vẫn nhớ như in ngày 30/4 lịch sử ấy. Khi đó, cô là công nhân kéo chỉ và hoạt động bí mật ở xưởng dệt phường 3. Nhận nhiệm vụ của Ban binh vận tỉnh và lãnh đạo Thị ủy yêu cầu vận động, móc nối chị em trong các xưởng dệt may cờ mặt trận để chào mừng cuộc tổng tiến công, giải phóng tỉnh lỵ Bạc Liêu. Ban ngày làm việc ở xưởng, ban đêm chị em tranh thủ may cờ, công việc được thực hiện một cách bí mật. Bên cạnh đó, một số chị em được phân công cắt dán cờ cầm tay, băng-rôn… Sau một tuần tất bật với quyết tâm cao, cuối cùng mọi việc đã hoàn thành và đúng 10 giờ sáng 30/4/1975, ngay khi Đài Phát thanh thông báo toàn bộ ngụy quyền ở Bạc Liêu đầu hàng vô điều kiện thì 200 cây cờ đã được các chị em cắm ở 15 xưởng dệt. Số cờ còn lại và băng-rôn được chị em giao lại cho Ban binh vận phát cho các nghiệp đoàn công nhân xuống đường tuần hành chào mừng đại thắng.

Nhìn lại chặng đường gian khổ nhưng đầy hào hùng của thế hệ đi trước với phương pháp chiến đấu linh hoạt, lý lẽ sắc bén với những đòn cân não… giành chính quyền không đổ máu, càng cho thế hệ hôm nay thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và quân dân Bạc Liêu, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Huỳnh Hiếu

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.