Tiêu điểm

Ngành Ngân hàng: Không ngừng phát triển và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng đất nước

Thứ Sáu, 12/05/2017 | 15:17

Qua 66 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2017), ngành Ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó, phải ghi nhận những đóng góp to lớn, hy sinh thầm lặng của nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên ngân hàng và họ thật sự là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ký cam kết đầu tư vốn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Ảnh: T.A

Ngân hàng NN&PTNT - một trong những ngân hàng có nhiều đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp - nông thôn của Bạc Liêu. Ảnh: T.Q

TRUYỀN THỐNG ĐẦY TỰ HÀO

Nhìn lại chặng đường qua 65 năm hình thành và phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam, mới thấy hết những nỗ lực, tâm huyết và những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong những năm kháng chiến gian khổ và phải qua 2 cuộc vệ quốc vĩ đại giành lại độc lập và tạo nên kỳ tích làm chấn động toàn cầu. Đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớp lớp cán bộ ngành Ngân hàng đã không quản gian khổ, hy sinh tham gia thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp nguồn lực tài chính, tín dụng phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc. Qua đó, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, có sự đóng góp của nhiều cán bộ Ngân hàng B68 khu vực Nam bộ.

Trong số 452 cán bộ ngân hàng đi B68 thì có các cô, các chú đã xây dựng nên con đường huyền thoại, đó là con đường tiền tệ anh hùng và đầy sáng tạo. Khi đất nước được thống nhất, bên cạnh các hoạt động tình nghĩa đối với đồng đội, các cô, các chú lại tiếp tục giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phát huy tốt vai trò của ngành trong việc góp phần khắc phục hậu quả sau chiến tranh, khôi phục lại sản xuất và tham gia tích cực vào quá trình đổi mới phát triển kinh tế - xã hội. Cũng  như, khi không còn công tác, các cô, các chú tiếp tục là những tấm gương sáng dìu dắt và thật sự trở thành niềm tự hào, động viên cho nhiều thế hệ ngân hàng, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục nối bước phát huy truyền thống, tiếp tục thi đua cống hiến vào sự nghiệp xây dựng CNH-HĐH đất nước.

KHÔNG NGỪNG PHÁT TRIỂN

Phát huy truyền thống cách mạng, đến nay ngành Ngân hàng Việt Nam không ngừng phát triển và từng bước đổi mới, hoàn thiện về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cũng như công tác quản lý điều hành, công nghệ và dịch vụ ngân hàng; không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế trong hoạt động tiền tệ; chính  sách  tiền  tệ  được hoạch  định  và  điều  hành  chủ động, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; hệ thống giám sát an toàn hoạt động ngân hàng ngày càng hoàn thiện đồng bộ hơn; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng được mở rộng và phát triển, góp phần thu hút các nguồn lực quốc tế để phát triển kinh tế đất nước, đóng góp quan trọng vào việc đẩy lùi và kiểm soát lạm phát; nạn “vàng hóa” và “đô la hóa” được đẩy lùi; ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, đáp ứng hiệu quả các nhu cầu về vốn, phục vụ sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống của nhân dân, đưa Việt Nam từ một nước nghèo, thu nhập thấp thành nước có thu nhập trung bình, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, hệ thống các tổ chức tín dụng có bước phát triển mạnh mẽ về quy mô và mạng lưới, loại hình sở hữu, công nghệ, dịch vụ ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò huyết mạch trong nền kinh tế, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng qua các giai đoạn phát triển luôn được coi trọng, tiến hành toàn diện và mạnh mẽ trên tất cả các mặt hoạt động. Thực tiễn cho thấy, chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả rất tích cực, bước đầu xử lý nhiều rủi ro tiềm ẩn, không để xảy ra đổ vỡ hệ thống, củng cố niềm tin của xã hội.

Bên cạnh nhiệm vụ chính trị và chuyên môn, quyền làm chủ của cán bộ, công chức trong ngành ngày càng được phát huy; điều kiện môi trường làm việc của cán bộ, công chức, viên chức không ngừng được cải thiện. Nhờ đó, năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ ngân hàng ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn các nhiệm vụ của ngành trong bối cảnh hội nhập kinh tế, tài chính toàn diện và mạnh mẽ.

PHÁT HUY THÀNH TỰU

Đối với tỉnh Bạc Liêu, sau 20 năm hoạt động cùng với sự đổi mới của toàn ngành, ngành Ngân hàng Bạc Liêu phát triển cả về số lượng và loại hình tổ chức tín dụng, quy mô, mạng lưới hoạt động mở rộng đến các huyện, thị trấn, xã, phường, vùng sâu, nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 159 điểm, đơn vị có giao dịch ngân hàng và tổng dư nợ cho vay đến cuối năm 2016 đạt 18.500.000 triệu đồng, tăng gấp 66 lần so với năm 1997. Các tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh đa dạng, với nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân tiếp cận và lựa chọn,

Đặc biệt những năm gần đây, mặc dù trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Ngân hàng tỉnh Bạc Liêu luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là trong việc mở rộng, nâng cao chất lượng tín dụng, gắn với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng và giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng. Nhờ vậy, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, nguồn vốn hoạt động tăng trưởng bình quân 13%/năm. Trong đó, vốn huy động tại chỗ tăng bình quân 16%/năm, dư nợ tín dụng tăng bình quân 17%/năm, nợ xấu bình quân 2%/tổng dư nợ. Từ đó góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế và thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh.

Tiếp tục phát huy thành tích trên và góp phần vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ nay đến năm 2020, ngành Ngân hàng của tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ như: Điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối; điều hành lãi suất, tỷ giá theo nguyên tắc thị trường. Tiếp tục cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; thực hiện công khai, minh bạch và áp dụng chuẩn mới về quản trị ngân hàng theo thông lệ quốc tế…

PHẠM THANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.