Xây dựng thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới

Thứ Sáu, 19/05/2017 | 16:15

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Đây là hướng đi mới cho các HTX trong tỉnh.

Xây dựng hợp tác xã kiểu mới

Mục đích của kế hoạch triển khai thực hiện đề án trên là xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ trong các chuỗi giá trị nông sản và có khả năng nhân rộng trên địa bàn tỉnh thuộc hai lĩnh vực lúa gạo và thủy sản (tôm, Artemia, nghêu, sò).

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung phát biểu tại buổi họp với các HTX và nông dân sản xuất giỏi trong tỉnh.

Trang trại nuôi heo của HTX Kinh Tế Xanh (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu).

Kiểm tra chất lượng trứng Artemia tại HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ

Tỉnh sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện các HTX nông nghiệp hiện có hoặc thành lập HTX mới trên các lĩnh vực lúa gạo, thủy sản hoạt động hiệu quả. Việc đánh giá, lựa chọn HTX nông nghiệp tham gia xây dựng mô hình thí điểm phải đáp ứng tiêu chí do Bộ NN&PTNT ban hành. Mô hình HTX kiểu mới thực hiện nhiều hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất, tín dụng nội bộ cho thành viên; mở rộng phạm vi liên kết theo chuỗi giá trị bền vững giữa HTX gắn kết với doanh nghiệp đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra; các HTX được lựa chọn phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của HTX, kết hợp lồng ghép các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, HTX và thành viên HTX.

Mục tiêu đến năm 2020 là lựa chọn, xây dựng hoàn thiện mô hình HTX hoạt động hiệu quả cho 15 HTX nông nghiệp, trong đó có 10 HTX lúa gạo và 5 HTX thủy sản. Mỗi huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh lựa chọn ít nhất 1 HTX thực hiện  xây dựng mô hình thí điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị chức năng có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban ngành, đơn vị chức năng có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc tổ chức thực hiện. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020 từ cấp tỉnh đến huyện, thị, thành phố. Theo đề án, các HTX sẽ được Nhà nước hướng dẫn điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh; các chính sách hỗ trợ vốn, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất; hỗ trợ để doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm, xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.

Các HTX điển hình

Toàn tỉnh hiện có 53 HTX và hơn 610 tổ hợp tác (THX) nông nghiệp. Theo Liên minh HTX tỉnh, các HTX hoạt động trên lĩnh vực thủy sản tiêu biểu là HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu). HTX này đã liên kết, đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho 3 HTX bạn. Đồng thời bao tiêu sản phẩm cho 20 hộ dân với diện tích 250ha, thu mua 16 tấn nguyên liệu  trị giá 17 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu còn nhận đỡ đầu hộ nghèo, hỗ trợ 30 hộ cận nghèo trong sản xuất với số tiền 300 triệu đồng. Hầu hết các hộ được hỗ trợ sản xuất đạt lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng/năm...  Hay THT Thành Công 1 (xã Phong Thạnh, TX. Giá Rai) ký kết hợp tác với Công ty Cổ phẩn chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Âu Vững tiêu thụ tôm nuôi trên diện tích 104ha.

Tiên phong trên lĩnh vực lúa, gạo phải nói đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Cường (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình). HTX này được thành lập vào tháng 5/2016 với 237 thành viên, có diện tích sản xuất 1.367ha, hoạt động theo phương thức liên kết sản xuất, hỗ trợ, cung ứng lúa giống và phân bón cho xã viên và nông dân. Đồng thời, HTX cũng ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa cho nông dân sau khi thu hoạch.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, điển hình là mô hình nuôi heo theo quy trình khép kín của HTX Kinh Tế Xanh (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). HTX này có 4 trang trại với diện tích 7ha, nuôi khoảng 6.000 con heo thịt. Đầu ra sản phẩm được Công ty Cổ phần chăn nuôi CP bao tiêu. Mô hình chăn nuôi trên ngoài việc cung cấp nguồn thịt sạch, chất lượng, còn góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, HTX còn đầu tư hầm biogas chứa chất thải chăn nuôi và khai thác khí gas theo công nghệ phủ bạt chống thấm HDPE. Hầm biogas này có khối lượng 8.000m³, lượng khí gas từ hầm biogas đủ để chạy máy phát điện (3 máy) với tổng công suất 800KVA/giờ. Hiện nay, HTX chỉ sử dụng 1/4 công suất (chỉ chạy 1 máy phát điện) cung cấp từ 150 - 200 KVA/giờ cho hệ thống làm mát cho các trại nuôi heo, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hàng chục hộ thành viên HTX.

Để HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, cần sự liên kết chặt chẽ “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Các HTX thí điểm đã thực hiện tốt chuỗi giá trị sản xuất từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra, sẽ trở thành các HTX “mẫu” để nhân rộng mô hình HTX kiểu mới trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung cho rằng: “Việc thành lập HTX kiểu mới là nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Các huyện, thị xã cần phải bàn bạc với HTX và nông dân xem họ cần gì để đầu tư hiệu quả. Cần liên kết nông dân để thành lập các HTX sản xuất hiệu quả, xây dựng các HTX điển hình thí điểm để các HTX khác tham quan, học tập kinh nghiệm và từng bước nhân rộng”.

Minh Đạt

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam cho biết, điểm mấu chốt của việc hình thành các HTX kiểu mới là xây dựng các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và HTX hiệu quả. Các địa phương ở khu vực ĐBSCL cần khai thác nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, đồng thời nghiên cứu các mô hình nhằm có thêm nguồn lực hỗ trợ các HTX kiểu mới. Hiện Quỹ hỗ trợ phát triển HTX có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong năm 2017 sẽ tăng lên 400 tỷ đồng và vào năm 2020 tăng 1.000 tỷ đồng.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.