Công tác đỡ đầu hộ nghèo của các ban ngành: Phải có sự linh động từ đơn vị

Thứ Sáu, 26/05/2017 | 15:58

Đỡ đầu hộ nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chương trình giảm nghèo hàng năm với nguồn lực chính là các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cơ sở. Thế nhưng, qua một thời gian hoạt động, khi không còn bỡ ngỡ với công tác đỡ đầu hộ nghèo thì một số đơn vị lại bắt đầu lơ là với nhiệm vụ ngoài chuyên môn này…

Vai trò tích cực

Hàng năm, phường Láng Tròn (TX. Giá Rai) lại được nhận danh sách 3 đơn vị ngành tỉnh về nhận đỡ đầu hộ nghèo theo sự phân công của UBND tỉnh. Cũng giống như các cơ quan, ban ngành tỉnh khác, quy trình nhận đỡ đầu của những đơn vị này bắt đầu từ khi có danh sách phân bổ của tỉnh, liên hệ với huyện rồi về địa phương gặp hộ nghèo. Tiêu chí những hộ nghèo được phường giới thiệu để các đơn vị nhận đỡ đầu là chí thú làm ăn, có lao động trong độ tuổi, nói chung là những hộ có khả năng vươn lên thoát nghèo nếu có một “cú hích” từ bên ngoài. Và sự hỗ trợ bằng vốn để mua phương tiện làm ăn, con giống hàng năm thật sự là “cú hích” quan trọng, thúc đẩy ý chí thoát nghèo của những hộ này lên cao. Theo UBND phường Láng Tròn, hầu hết các hộ nghèo được ngành tỉnh nhận đỡ đầu đều đạt tiêu chí thoát nghèo vào cuối năm, chỉ những hộ do gặp thiên tai, dịch bệnh trong quá trình sản xuất hoặc chuyện không may trong đời sống làm thất thoát vốn thì sẽ tiếp tục được phường hỗ trợ vào năm sau.

Đã nhiều năm nay, các cơ quan ban ngành cấp tỉnh, cấp huyện đã quen với việc nhận giúp đỡ hộ nghèo ở các huyện, thị trong tỉnh thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Năm 2016, UBND tỉnh đã phân công 71 ngành tỉnh nhận giúp đỡ 494 hộ nghèo; các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp nhận giúp đỡ 3.576 hộ nghèo. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, sau khi được phân công nhận giúp đỡ hộ nghèo, nhìn chung các cơ quan, đơn vị đã xuống địa bàn trực tiếp khảo sát điều kiện thực tế của từng hộ nghèo và nghiên cứu mô hình làm ăn thích hợp cho từng hộ, qua đó có phương án hỗ trợ giúp đỡ cụ thể, nhất là hướng dẫn phương thức làm ăn, cách quản lý, sử dụng nguồn vốn, phương tiện sản xuất của hộ nghèo có hiệu quả. Kết quả thực hiện các mô hình giảm nghèo có hiệu quả đã góp phần giúp hộ nghèo có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Ban Dân tộc tỉnh trao vốn giúp đỡ hộ nghèo Khmer xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.L

Cần tinh thần trách nhiệm cao

Hội LHPN tỉnh nhận đỡ đầu hộ nghèo xã Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình). Bà Võ Thị Kim Thùy, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Mỹ B cho biết, từ lúc bắt đầu nhận danh sách hộ nghèo, đại diện Hội LHPN tỉnh đã xuống khảo sát, cùng bàn bạc kế hoạch và sau đó trực tiếp dẫn chủ hộ đi mua phương tiện sản xuất, làm ăn. Khoảng 10 ngày sau, đơn vị lại cử người xuống kiểm tra tình hình ban đầu của hộ nghèo. Cứ thế, tình hình hộ nghèo luôn được nắm bắt kịp thời. Có thể nói, đó chính là phương cách đỡ đầu có trách nhiệm và hiệu quả thiết thực nhất cần được nhân rộng…

Tuy nhiên, Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh cũng nhận định các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ hộ nghèo triển khai thực hiện tiến độ còn chậm, việc trao vốn cho hộ nghèo còn chưa kịp thời. Bên cạnh đó, còn có một hạn chế trên thực tế ít được nhắc đến là việc nhận đỡ đầu của một số ban ngành tỉnh thời gian gần đây lại bắt đầu rơi vào tình trạng lơ là nhiệm vụ đỡ đầu hộ nghèo, ỷ lại vào địa phương. Ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Láng Tròn cho biết: “Có khi thì ban ngành nhận đỡ đầu đi trực tiếp khảo sát tình hình và yêu cầu của hộ nghèo để có phương án hỗ trợ, nhưng cũng có năm do các ban ngành không có thời gian thực hiện khảo sát nên phường làm thay bước này”. Do quá nhiều công việc chuyên môn, nhiều sở, ngành quan niệm chỉ cần mang vốn xuống hỗ trợ hộ nghèo là… xong nhiệm vụ, vì dù thế nào đến cuối năm hộ được nhận đỡ đầu sẽ thoát được nghèo theo kế hoạch của địa phương. Ngoài ra, phần lớn hộ nghèo được giao ngành tỉnh, huyện nhận đỡ đầu cũng đã sát tới mức thoát nghèo nên việc theo dõi, kiểm tra quá trình sản xuất, lao động vươn lên của hộ nghèo đôi khi chưa được thực hiện nghiêm túc. Điều này vô tình làm mờ nhạt vai trò chủ động của đơn vị nhận đỡ đầu.

Lâm Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.