Vĩnh biệt nhà báo, nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Hải Tùng: Một người “Sống vì lẽ phải và tình thương” đã ra đi!

Thứ Hai, 02/04/2012 | 19:50


Ông Nguyễn Hải Tùng, tên khai sinh: Trịnh Hồng Phương - tên thường gọi Út Nghệ. Sinh năm 1933, tại xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Nguyên quán: Xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.

Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Hội viên Hội VHNT tỉnh Cà Mau; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Nguyên Ủy viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu Tây Nam bộ - Trưởng Tiểu ban Văn nghệ; Trưởng đoàn Văn công Khu Tây Nam bộ; Bí thư Tỉnh đoàn, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Minh Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải và nhiều chức vụ khác.

Được tặng thưởng:

Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huân chương Giải phóng hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhất; Giải thưởng báo chí Nguyễn Mai.

Tác phẩm xuất bản:

Đã in 7 tập tùy bút, bút ký, truyện ký, 2 tập thơ (1 tập thơ trào phúng) và nhiều vở kịch, kịch bản phim tài liệu…

Do tuổi cao và lâm trọng bệnh, mặc dù đã được thầy thuốc tận tình cứu chữa, tổ chức cơ quan và gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng không qua khỏi, đã qua đời vào hồi 8 giờ 40 phút ngày 31/3/2012 (nhằm ngày mùng 10 tháng 3 năm Nhâm Thìn), thọ 80 tuổi.


Ông Nguyễn Hải Tùng viết nhiều kịch bản sân khấu. Riêng vở hài kịch “Ba Gật” mà ông sắm vai chính, một nhân vật phản diện, a dua, cầu an, nắng bề nào che bề nấy, được khán giả tán thưởng nhiệt liệt. Vở kịch diễn lưu động (Đoàn Văn công xã Tân Thuận, sau này là Đoàn Văn công huyện Ngọc Hiển) hàng trăm buổi. Về đóng góp của ông Nguyễn Hải Tùng cho sân khấu cách mạng, ông Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nói: “Trong cuộc sống và trong lĩnh vực sân khấu, anh thường tự nguyện lùi về sau, nhường chỗ cho các thế hệ nghệ sĩ; anh chăm lo, dìu dắt, đào tạo tài năng sân khấu của miền Tây Nam bộ, đặc biệt là Đoàn cải lương Hương Tràm, Đoàn cải lương Cao Văn Lầu… Chúng tôi không thể nào quên hình ảnh của anh, anh Út Nghệ, anh Út của chúng tôi!” (trích trong bộ phim tài liệu “Nguyễn Hải Tùng, sâu nặng một tình yêu, Đài Truyền hình Cà Mau sản xuất, năm 2011).

Trong nhiều bài thơ cách mạng của ông, bài Từ trái tim em viết về người nữ biệt động Hồ Thị Kỷ đã dũng cảm hy sinh khi ấn nổ kíp mìn diệt Mỹ ngụy trước ty Cảnh sát Cà Mau đã được đưa vào chương trình văn học ngoại khóa ở nhà trường. Bốn câu thơ cuối bài thơ âm hưởng mãi vút cao: “Từ trái tim em bừng tiếng nổ/ Cuối trời Tổ quốc lửa dâng cao/ Từ trái tim em nung thép đỏ/ Chảy vào mạch sống vạn đời sau”. Ông còn là người viết nhiều thơ hài hước, trào phúng từ cuộc sống trong kháng chiến. Nhà thơ Lê Minh Quốc có giới thiệu thơ ông trên Tuổi Trẻ Cười với bài: “Thơ trào phúng của ông Nguyễn Hải Tùng - Cam đoan đọc là cười!”.

Đối với những người làm báo chúng tôi, ông Nguyễn Hải Tùng viết hàng trăm bài báo, tất cả đều được viết bằng tấm lòng, bằng cái tâm của một người “Sống vì lẽ phải và tình thương”(tên tập tùy bút được tái bản nhiều lần của Nguyễn Hải Tùng).

Riêng với bạn đồng nghiệp của anh, dù với cương vị nào anh cũng tận tình góp ý, chân tình chu đáo. Cách đây gần 28 năm, tôi có viết một cuốn sách giới thiệu về lịch sử, con người ở vùng đất Bạc Liêu, Cà Mau (lúc bấy giờ còn chung tỉnh Minh Hải), do bận ra Hà Nội công tác, anh không trực tiếp góp ý về nội dung cuốn sách ấy với tôi được, anh viết cho tôi một bức thư dài đầy tình nghĩa. Anh Út ơi, tôi vẫn còn giữ nguyên bức thư anh viết cho tôi tại Bạc Liêu ngày 30/12/1984. Trong giờ phút chia tay anh, tôi xin phép anh trích ra một vài đoạn ở bức thư đó, bức thư chỉ có anh và tôi biết.

Tôi chưa thấy ở tác giả những sơ hở gì lớn. Chỉ biết sự hạn chế mà không thể nào khắc phục được là Trần Thanh Phương không có mặt ở tỉnh nhà trong các giai đoạn cách mạng sôi sục nhất. Và có lẽ vì không có được hơi thở nóng bỏng của cuộc sống vĩ đại ấy mà các bài viết chưa có sự rung cảm sâu sắc của trái tim mình…

…Người đọc không thể đòi hỏi mọi cuốn sách phải viết theo ý mình. Song, tôi chỉ được nói cái thèm khát ở tác giả có những xúc cảm mạnh mẽ hơn và dừng lại lâu hơn các chỗ, các đoạn cần làm cho nó nổi bật. Cái đó không thể có nó ở bất cứ chỗ nào khác được. Chẳng hạn như Đồng Nọc Nạng, Làng rừng, hạm đội nhỏ trên sông, con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển… Nhiều cái độc đáo nữa, tôi cảm thấy nó hơi mờ nhạt, cả những nhân vật thời đại, cũng chỉ thấy loáng thoáng, lướt qua…

Cuộc đời hơn 60 năm hoạt động cách mạng, ông Nguyễn Hải Tùng dành gần hết tâm lực cho công tác quản lý văn hóa - văn nghệ. Nhà văn Nguyễn Thanh, nguyên Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh Cà Mau, trong bài viết “Khiêm tốn một Nguyễn Hải Tùng, sống và viết” (đăng trên Tuần báo Văn nghệ, ngày 9/2/2012) đã đúc kết tố chất người quản lý văn học - nghệ thuật ở ông Nguyễn Hải Tùng là: “Có kiến thức chuyên môn. Có sức chịu đựng. Bản lĩnh. Biết quý trọng, san sẻ từng trang viết, từng công trình của mỗi cá nhân văn nghệ sĩ; sống hết mình vì họ. Chăm chút xây dựng mối đoàn kết trong cơ quan, trong giới. Tránh thêu dệt cá nhân. Sống đẹp. Sống kẻ sĩ…”.

Nay phải vĩnh biệt ông, tôi xin được lập lại câu nói mà soạn giả Lê Duy Hạnh đã nói: “Chúng tôi không thể nào quên hình ảnh của anh, anh Út Nghệ, anh Út của chúng tôi!”.

Nhà báo Trần Thanh Phương (nguyên Phó TBT báo Đại Đoàn kết)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.