Tết Thanh minh

Thứ Tư, 04/04/2012 | 16:15

Không biết tự bao giờ, tục cúng Thanh minh vào những ngày đầu tháng ba (âm lịch) đã trở thành một lễ hội riêng, khá linh thiêng đối với người dân Bạc Liêu. Mùa Thanh minh có thể ví như một cái Tết đối với những người đã khuất bóng…

Sau Tết Nguyên đán không bao lâu thì người ta bắt đầu tính đến chuyện lo “Tết” cho người thân đã quá cố của mình. Gọi là Tết vì vào những ngày này, có thể nói là dịp duy nhất trong một năm, con cháu tề tựu về đông đủ, cùng dọn dẹp, sửa sang mồ mả và cúng vái vong hồn những người thân về “thọ tài hưởng thực”.

Cúng Thanh minh đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa, hay gọi đúng hơn là một lễ hội văn hóa mang ý nghĩa vô cùng cao đẹp, xuất phát từ tình cảm của những người còn sống dành cho người đã mất. Và ngoài ý nghĩa thể hiện tình cảm đối với ông bà, cha mẹ ta; hành động tưởng nhớ đến người quá cố còn là cách để người sống giáo dục, nhắc nhở con cháu mình chữ hiếu đạo ở trên đời. Điều đó giải thích tại sao khi đi làm mộ (còn gọi là “dẫy mã”), người lớn thường hay dẫn theo đám con cháu, làm việc lớn không được thì chọn những việc nhỏ để chúng tự tay làm lấy, chẳng hạn như nhổ cỏ, trồng hoa quanh mộ đất, quét rửa mộ đá; hay vào những ngày cúng Thanh minh thì phần việc mà bọn trẻ được giao là dán giấy ngũ sắc trên những ngôi mộ (với ý nghĩa là “lợp nhà mới” cho người đã khuất). Dẫu biết rằng “thế giới bên kia” có thể là vô hình nhưng ai cũng tâm niệm rằng vong linh của ông bà, cha mẹ vẫn còn theo ta suốt quãng đường đời, nên phận làm con cháu thì không được quên trả nghĩa… Chính vì Thanh minh là dịp để thể hiện văn hóa tri ân, tưởng nhớ đến người đã khuất, cho nên đối với nhiều người (đặc biệt là những người có gốc gác ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng) thì dù có đi xa tận phương trời nào, họ vẫn nhớ đến tục cúng Thanh minh ở quê nhà. Thậm chí, có những người làm ăn ở ngoại tỉnh, hoặc ở nước ngoài, có thể Tết Nguyên đán họ không về thăm quê nhưng Tết Thanh minh lại là lúc họ tìm về với cội nguồn để tưởng nhớ những người đã khuất dù chỉ bằng vài nén nhang…

Cúng Thanh minh tại nhị tỳ Cầu Xáng. Ảnh: M.Đ

Và vào mỗi mùa Thanh minh hàng năm, nếu có dịp đi ngang qua Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh mới thấy không khí nhộn nhịp ở đây không khác gì mùa lễ hội! Từng dòng người tấp nập đổ xô về, thế là các dịch vụ “ăn theo” như hàng quán, bãi giữ xe… cũng mọc lên như “nấm sau mưa”. Lực lượng đoàn viên, thanh niên với màu áo xanh cũng nhân dịp này thể hiện tinh thần tình nguyện vì cộng đồng và đặc biệt là nhằm tri ân những anh hùng liệt sĩ, họ đứng ra lo chuyện sắp xếp trật tự xe cộ, ổn định chỗ nơi mua bán, hướng dẫn cho những người ở xa về cúng mộ người thân… Và tình người cũng chứa chan, nghĩa tình biết mấy khi nhiều người đã thắp lên mộ những liệt sĩ không còn người thân viếng mộ vài nén nhang thơm thảo, dĩa bánh trái, trà nước… với ước nguyện để vong linh nào cũng có một mùa Thanh minh ấm áp!

Tôi mãi nhớ những lời răn dạy của má, cái nết lo toan của bà dành cho ông bà, ba tôi và những người quá cố vào mỗi độ Thanh minh về. Mỗi năm, được tận mắt chứng kiến những đoàn người tảo mộ ông bà với thái độ thành tâm trong “ngày hội” đặc biệt dành cho người đã khuất, tôi càng thấy yêu quý hơn những con người nơi đây, yêu hơn vùng đất vốn có bề dày truyền thống văn hóa lại được vun bồi thêm những tập tục văn hóa đầy ắp tình người và tính nhân văn cao cả. Ban đầu, xuất phát từ phong tục của người Hoa, nhưng đến nay thì Thanh minh ở Bạc Liêu đã trở thành một ngày hội chung cho tất cả những dân tộc anh em. Thiết nghĩ, với ý nghĩa này, ngành Văn hóa cũng nên sớm xây dựng tục cúng Thanh minh thành một lễ hội chính thống ở Bạc Liêu.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.