Giáo dục - Học Đường

Nhớ để mà... quên

Thứ Sáu, 11/05/2012 | 19:50

Đọc các báo cáo sơ kết, tổng kết của các trường, thấy hiện nay chất lượng giáo dục của các trường phát triển rất mạnh, kể cả trường thuộc vùng khó khăn, khiến tôi không khỏi mừng thầm. Thế nhưng, trong những lần hàn huyên với các em học sinh, nghe nhiều em than thở: “Các anh chị ngày trước học nhớ nhiều. Còn tụi em bây giờ học đủ thứ, nhưng cái gì cũng mập mờ. Thậm chí nhiều học sinh khá, giỏi sau khi “ra trường” thì quên hết ráo…”, tôi lại thấy băn khoăn.

Nhớ lại thời áo trắng ngày xưa của mình, để đạt được danh hiệu học sinh khá, giỏi đối với chúng tôi là rất khó. Nhiều bạn học hay, nhưng cũng chỉ hy vọng năm nào được lên lớp đã là mừng, bởi giáo viên chấm điểm rất gắt gao. Có những môn thầy cô chỉ cho cao nhất điểm 8. Muốn kiếm được điểm 9, điểm 10 thì phải xuất sắc lắm.

Theo lời của nhiều học sinh, đạt danh hiệu khá, giỏi là chuyện khá nhẹ nhàng. Thầy cô bây giờ cho điểm rất “nới”, chứ không “keo” như trước. Thế nên, nhìn qua báo cáo tổng kết của các trường, sẽ thấy chất lượng của nhiều trường phát triển vượt trội. Nhưng buồn thay, khi vô tình đề cập tới kiến thức rất cơ bản mà các em đã học thì không ít em lại “ngơ ngơ ngác ngác” (?!). Trước hiện tượng này, chúng ta không thể không đặt dấu chấm hỏi trước tính xác thực về chất lượng học sinh của các trường.

Nhiều ý kiến bao biện rằng, học sinh ngày nay giỏi hơn ngày xưa rất nhiều. Vì các em được học rất nhiều kiến thức mà thế hệ trước không được học. Có thể trong lúc học kiến thức đó các em học tốt thật, nhưng với dung lượng kiến thức phải thu nạp quá nhiều, trong khi bộ nhớ con người có giới hạn, thì chuyện các em dễ quên là điều bình thường. Còn học sinh ngày xưa học ít kiến thức, nên dễ dàng khắc cốt ghi tâm. Cách lý giải này có thể là đúng, cũng có thể là sai. Nếu là đúng thì rõ ràng cách làm khôn ngoan nhất là nên dạy kiến thức ở mức vừa đủ, chứ không nên nhồi nhét quá nhiều. Bên cạnh đó, cho dù học sinh cố căng óc ra để nhớ, nhưng với kiểu dạy - học “thầy nói, trò ghi”, về nhà “học thuộc lòng” đang được áp dụng đại trà từ vỡ lòng cho tới THPT thì cuối cùng rồi các em cũng chỉ “nhớ để mà… quên”! Bởi vậy, rất cần thiết phải thay đổi cách dạy, cách học. Còn nếu là sai thì trước hiện tượng chất lượng giáo dục của các trường đồng loạt phát triển đột biến, thiết nghĩ, ngành Giáo dục cần làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra để ngăn chặn phong trào chạy theo thành tích.

Khả Trâm



Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.