Người nuôi tôm trong cơn khốn khó

Thứ Sáu, 06/07/2012 | 19:18

Trước thực trạng tôm chết diễn ra hàng loạt, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng đã đích thân đến nhiều trang trại nuôi tôm để khảo sát tình hình. Đồng chí Võ Văn Dũng khẳng định: đã đến lúc phải tìm ra một hướng đi mới cho nghề nuôi tôm trong lúc môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Trao đổi với nông dân nuôi tôm trong chuyến khảo sát các vùng nuôi tôm mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng nhấn mạnh: hiện tại và sắp tới, việc nhân rộng mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi công nghiệp thả mật độ thưa, tăng cường áp dụng quy trình nuôi tôm sinh học, xây dựng mô hình mẫu, đẩy mạnh nuôi tôm quảng canh là rất cần thiết. Bên cạnh đó, bà con cần nuôi thêm các loài thủy sản khác.

Năm 2012, chúng ta chấp nhận không đạt chỉ tiêu sản lượng tôm nguyên liệu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là thu nhập của nông dân chứ không phải ở chỗ chạy theo chỉ tiêu, kế hoạch diện tích thả nuôi.

Qua diễn biến tình hình hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức hội nghị để bàn về định hướng cho nghề nuôi tôm trong thời gian sớm nhất.

Tôm chết… đỏ vuông!

Tháp tùng cùng đoàn khảo sát đến thăm trang trại nuôi tôm sú sạch của “vua” tôm Võ Hồng Ngoãn - Sáu Ngoãn (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), chúng tôi chứng kiến hàng chục ao nuôi của ông cũng đang lâm vào tình trạng “treo ao”. Nói về chuyện nuôi tôm năm 2012, ông Sáu Ngoãn lắc đầu rồi nói: “Năm nay tệ quá!”. Hỏi về kế hoạch sắp tới, ông Sáu Ngoãn chưa dám xác định thời điểm thả giống trở lại khi mà dịch bệnh tôm vẫn còn hoành hành.

Tại trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng thuộc dạng tầm cỡ ở tỉnh của Công ty TNHH Huy Long An (tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình), ông Võ Văn Huy, chủ trang trại, cho biết toàn bộ 58ha ao nuôi của trang trại lần thả giống đầu tiên đã chết sạch. Sau khi cải tạo lại ao, đến lần thả giống thứ hai, con tôm tiếp tục bệnh đốm trắng. Hiện chỉ còn lại 9 ao. Ông Huy khẳng định: “Bệnh cũ, bệnh mới cũng vậy, dù có kinh nghiệm đến đâu, hễ tôm bệnh nan y là chỉ có trời cứu”. Trang trại ông Huy đang áp dụng quy trình cải tạo màu nước ao nuôi để loại bỏ tảo độc vốn đã gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho tôm.

* Đoàn cán bộ tỉnh khảo sát tình hình nuôi tôm ở một số trang trại nuôi tôm huyện Hòa Bình.

* Tôm thẻ chân trắng của Công ty TNHH Huy Long An vừa thả nuôi lại sau 2 lần bị chết do bệnh đốm trắng. Ảnh: T.Đ

Ở vùng trọng điểm nuôi tôm của tỉnh, hiện nay, người nuôi cứ tiếp tục thả nuôi và con tôm vẫn tiếp tục chết. Tôm chết đỏ vuông, chết ngay từ đầu vụ nuôi. Nghề nuôi tôm chưa lúc nào lâm vào cảnh khốn khó như vậy. Rất nhiều hộ nuôi phải chấp nhận “treo ao” chờ thời, thậm chí chờ được cứu giúp. Sở NN&PTNT cho biết, từ đầu năm đến nay, Bạc Liêu đã có 10.051ha tôm chết (cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng). Trong đó, hơn 4.600ha bị thiệt hại trên 50%. Ước tính thiệt hại bằng tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Phần lớn diện tích tôm sú nuôi theo mô hình công nghiệp và bán công nghiệp thiệt hại 100%. Tôm chết nhiều nhất tập trung ở huyện Giá Rai, Đông Hải, Hòa Bình và TP. Bạc Liêu. Hàng chục ngàn hộ nuôi tôm khốn đốn do phải bỏ ra số tiền khá lớn để cải tạo lại đất, ao đầm, xử lý môi trường và mua con giống thả nuôi…

Đánh giá bước đầu của các hộ nuôi, nguyên nhân tôm chết hàng loạt là do tôm giống kém chất lượng, chất lượng nước nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm nặng, hệ thống thủy lợi không đảm bảo, thời tiết diễn biến bất thường… Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật diệt giáp xác nên gây chết tôm trên diện rộng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT vẫn chưa có câu trả lời chính thức về nguyên nhân gây ra dịch bệnh này.

Người nuôi tôm thiệt hại kép

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, dự báo năm nay người nuôi tôm sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, con tôm là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân, là loài thủy sản mang lại giá trị kinh tế rất lớn cho tỉnh.

Vào thời điểm này, giá tôm nguyên liệu rớt thê thảm. Người nuôi tôm than thở là chưa bao giờ thị trường tôm nguyên liệu lại cay đắng như năm nay. Nó hoàn toàn trái ngược quy luật của nhiều năm trước là “con tôm thất mùa được giá, thất giá được mùa”. Bây giờ thì mất cả hai. Theo ông Phạm Văn Tru (Tổ hợp tác nuôi tôm VietGAP, xã Vĩnh Trạch Đông), hiện nay, tôm sú 30 con/kg giá bán chỉ còn 130.000 đồng, giảm 100.000 đồng/kg so với năm ngoái. Với mức giá này, người nuôi chỉ có thể huề vốn. Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Hải Nguyên (xã Vĩnh Trạch Đông) cho biết, giá bán tôm thẻ chân trắng hiện cũng đang rớt thảm hại. Tôm thẻ loại 32 con/kg nếu như năm ngoái giá 179.000 đồng, thì bây giờ chỉ còn 118.000 đồng/kg. Và tất cả các loại tôm sú, tôm thẻ đều giảm từ 60.000 - 80.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2012. Đây là mức giá giảm mạnh nhất từ trước đến nay.

Các chuyên gia của ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân nên thu hoạch tôm trước khi tôm nguyên liệu tiếp tục sụt giảm. Đồng thời hạn chế thả tôm nuôi ở mật độ dày. Bởi, đến khoảng giữa tháng 8 và đầu tháng 9, khu vực miền Trung thu hoạch tôm chạy lũ nên giá tôm sẽ tiếp tục giảm. Đây là giải pháp trước mắt nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi khi đầu ra cho con tôm đang gặp nhiều khó khăn.

Tấn Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.