Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh

Thứ Hai, 20/08/2012 | 18:45

Ngày 20/8, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Phùng Quang Thanh đã trình bày tại kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh, gồm 6 chương, 42 điều; nhằm trang bị kiến thức cơ bản về quốc phòng - an ninh, kỹ năng quân sự cần thiết, góp phần đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.

Năm 1990, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 24 về công tác tôn giáo, xác định: chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo vừa là người có đạo, đồng thời cũng là công dân, họ có quyền lợi và nghĩa vụ như mọi công dân khác.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, qua lấy ý kiến các chuyên gia và cơ quan chức năng, hiện có hai vấn đề lớn trong dự thảo Luật còn ý kiến khác nhau.

Liên quan đến việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, Chính phủ cho rằng, việc quy định bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho người quản lý, người đại diện theo ủy quyền tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập là phù hợp.

Để đảm bảo tính khả thi và tập trung về đối tượng, dự thảo Luật đã xác định một số điều kiện của đối tượng này như: Có tổ chức bộ máy quản lý nghiệp vụ, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc hoạt động phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đa số người quản lý, người đại diện theo ủy quyền doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập còn lại sẽ được thụ hưởng phổ biến kiến thức quốc phòng - an ninh.

“Đề nghị giao Chính phủ quy định về đối tượng, thẩm quyền triệu tập, cơ sở bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trình bày.

Về vấn đề bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo, Chính phủ nhận định: chức sắc, nhà tu hành có vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của các tín đồ tôn giáo. Qua bồi dưỡng, chức sắc, nhà tu hành đã nắm được kiến thức quốc phòng - an ninh và tạo sự đồng thuận đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Trên thực tế, việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho đối tượng này trong thời gian qua đã được triển khai thí điểm và nhân rộng trên 56 tỉnh, thành phố đều cho thấy kết quả tích cực và ổn định.

Từ những cơ sở đó, dự thảo Luật quy định theo hướng chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo căn cứ vào yêu cầu, điều kiện cụ thể (số lượng chức sắc, nhà tu hành, cơ sở thờ tự, số lượng tín đồ, nghi lễ tôn giáo, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương...) được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, để khẳng định quyền bình đẳng của công dân được thụ hưởng bồi dưỡng hoặc phổ biến kiến thức quốc phòng - an ninh, trường hợp chưa được “bồi dưỡng” thì sẽ được “phổ biến” kiến thức quốc phòng - an ninh.

C.Đ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.