Quốc tế

Hội nghị thượng đỉnh Phong trào Không liên kết lần thứ 16 - Cơ hội Iran phá thế cô lập

Thứ Ba, 28/08/2012 | 08:57

Ngày 26-8, hội nghị các quan chức cấp cao Phong trào Không liên kết (NAM) đã khai mạc, mở màn một tuần lễ sôi động của Hội nghị thượng đỉnh NAM diễn ra ở thủ đô Tehran, Iran, được dư luận quốc tế hết sức quan tâm.

Iran khẳng định vị thế

Bất chấp sự phản đối của Mỹ và Liên minh châu Âu, hơn 100 quốc gia thành viên NAM, trong đó có 41 nguyên thủ quốc gia và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon sẽ đến dự hội nghị tại Iran. Hội nghị lần này được giới phê bình nhận định là đòn giáng mạnh vào những quốc gia đang tìm mọi cách siết chặt cấm vận Iran.

Hội nghị là cơ hội để Iran tìm tiếng nói chung và từ đó tìm kiếm cơ hội tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên NAM, làm thất bại cuộc bao vây cấm vận của Mỹ và Iran. Phát biểu trên kênh truyền hình Press TV ngày 22-8, Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Fereidoon Abbasi khẳng định nước này sẵn sàng hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân với các nước hiện đã đạt tiêu chuẩn quốc tế do Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) ban hành.

Thứ hai, hội nghị cũng là dịp để Iran khẳng định vai trò trung gian của mình trong việc tìm kiếm giải pháp chấm dứt bạo lực đang diễn ra ở quốc gia láng giềng Syria. Theo hãng thông tấn IRNA của Iran, ngày 26-8 Iran và Syria đã thảo luận về sáng kiến hòa bình cho Syria do Iran đề xuất và dự kiến sáng kiến này sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh NAM diễn ra ngày 30 và 31-8. Theo tiết lộ của Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi trước báo giới, đề xuất trên thỏa mãn được tính hợp lý đối với các bên, vì thế khả năng được chấp nhận là khá cao. Điều này đã giúp Iran ghi điểm trước cộng đồng quốc tế vốn đang bế tắc trong vấn đề Syria.

Điều đáng chú ý là Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi cũng đến Iran tham dự Hội nghị NAM, trao quyền Chủ tịch luân phiên của NAM (kéo dài trong 3 năm) cho Iran. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ Ai Cập đến Iran kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao hơn 30 năm trước sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran và việc Ai Cập ký hiệp ước hòa bình với Israel. Chuyến đi của ông Morsi thực sự là cột mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao Iran-Ai Cập trong bối cảnh Ai Cập đang nỗ lực đổi mới hình ảnh, hướng về dân chủ.

Phương Tây “nóng mặt”

Trên các phương tiện truyền thông phương Tây, phần lớn các bài viết đều cho rằng Hội nghị NAM là cơ hội để Iran kêu gọi đồng minh cho chương trình hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình của mình trong khi phương Tây nghi ngờ là để sản xuất vũ khí hạt nhân. Thật sự, không cần đến Hội nghị NAM ở Iran, tại những hội nghị trước, nhiều nước thành viên NAM đã thể hiện lập trường ủng hộ Iran phát triển hạt nhân vì mục đích dân sự. Vì thế, hội nghị lần này, với lợi thế sân nhà, Iran sẽ càng khiến Mỹ và phương Tây lo lắng.

Cuối tuần trước, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon xác nhận sẽ tham dự NAM bất chấp sự phản đối gay gắt của Mỹ. Nhà Trắng cho rằng Iran không xứng đáng tổ chức hội nghị trên. Tuy nhiên, trước lập trường của các quốc gia tham dự, chính quyền Obama đã lên tiếng kêu gọi lãnh đạo những nước này gây sức ép đòi Tehran phải tuân thủ quy định quốc tế, cụ thể là từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân của mình.

Trước đó, Văn phòng Thủ tướng Israel ra tuyên bố, cho rằng ông Ban Ki-moon cần hủy kế hoạch tới Iran và cho rằng quyết định của ông Ban Ki-moon khiến Israel thất vọng. Người phát ngôn Martin Nesirky của ông Ban Ki-moon tuần qua đã khẳng định trước báo chí là việc tham dự hội nghị của Tổng Thư ký LHQ nhằm mục đích truyền đạt rõ những mối quan tâm và mong đợi của cộng đồng quốc tế đối với hàng loạt vấn đề (gồm vấn đề hạt nhân Iran, khủng bố, nhân quyền, bất ổn chính trị Syria). Trong đó, tiêu chí hợp tác và tiến bộ là điều cấp thiết đối với sự ổn định khu vực và phúc lợi của người dân Iran.

Nguồn: SGGPOL

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.