Kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Cột mốc mở đầu Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam

Thứ Sáu, 31/08/2012 | 20:30

Nền dân chủ cộng hòa (DCCH) Việt Nam được thiết lập cùng với Nhà nước dân chủ nhân dân sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của nó sau 30 năm (từ 1945 - 1975) và trở thành tiền đề chính trị - xã hội vững chắc để nước ta đi vào xây dựng và phát triển nền dân chủ XHCN khi cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: T.L

Cách mạng tháng Tám năm 1945 - một cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công rực rỡ. Đó là một cuộc tổng khởi nghĩa thần tốc và thần kỳ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thần tốc vì chỉ trong một tuần lễ, cách mạng đã thành công trong cả nước. Thần kỳ vì từ thành công của cuộc cách mạng này nhân dân ta đã đánh đổ cùng một lúc hai ách thống trị Pháp và Nhật cùng bè lũ tay sai, đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến hàng trăm năm trở thành một quốc gia độc lập, tự do; đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ trở thành người chủ của đất nước độc lập tự do. Cách mạng tháng Tám đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cách mạng tháng Tám đã thiết lập nền DCCH đầu tiên ở nước ta và tạo tiền đề cho sự ra đời nền dân chủ XHCN khi cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu “độc lập dân tộc”, “người cày có ruộng” và quyền phổ thông đầu phiếu trong lĩnh vực chính trị đã được thực hiện trọn vẹn. Cách mạng tháng Tám mở đầu thời kỳ phi thực dân hóa ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Từ sau Cách mạng tháng Tám, hàng loạt các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và phụ thuộc đã vùng dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do và dân chủ ở những mức độ khác nhau; phá tan sự thống trị độc quyền thực dân của chủ nghĩa đế quốc đối với các dân tộc lạc hậu và kém phát triển, buộc chúng phải thừa nhận và tôn trọng quyền độc lập, tự do, dân chủ và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của các nước vốn trước đây là thuộc địa của chúng.

Tiền thân của nền dân chủ XHCN ở nước ta là nền DCCH Việt Nam được thiết lập ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công.

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chế độ của ta là chế độ dân chủ nhân dân, thực hiện dân chủ với nhân dân, nhưng đồng thời cũng nghiêm trị những kẻ phá hoại thành quả của cách mạng. Tất cả mọi người dân Việt Nam không phân biệt tầng lớp, chủng tộc, tôn giáo, trẻ già, trai gái đều là người chủ đất nước, đều được hưởng thụ những quyền lợi chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo pháp luật quy định. Chỉ sau hơn 4 tháng từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 6 tháng Giêng năm 1946, lần đầu tiên nhân dân ta được thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bầu ra Quốc hội (khóa I) của nước Việt Nam DCCH - Cơ quan quyền lực cao nhất - Tính đến nay nhân dân ta đã thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu, bầu ra 13 khóa Quốc hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã huy động lực lượng nhân dân thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược nước ta; giành độc lập tự do cho dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội; tiến hành cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH và mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Điều quan trọng về chính trị là chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân bầu ra; đoàn thể từ Trung ương đến xã cũng do dân tổ chức. Dân bầu ra người đại diện và có quyền kiểm sát, giám sát và bãi miễn khi không làm tròn sự ủy thác của nhân dân. Nhà nước muốn điều hành, quản lý xã hội hiệu lực, hiệu quả phải dựa vào dân và lấy dân làm gốc. Nhân dân có quyền làm chủ đất nước thì cũng phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giúp Chính phủ và làm đúng chính sách để Chính phủ làm tròn phận sự do nhân dân giao phó.

Nền DCCH Việt Nam được thiết lập cùng với Nhà nước dân chủ nhân dân sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của nó sau 30 năm (từ 1945 - 1975) và trở thành tiền đề chính trị - xã hội vững chắc để nước ta đi vào xây dựng và phát triển nền dân chủ XHCN khi cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ở nước ta, ngay từ khi Đảng ra đời (năm 1930), để lãnh đạo cách mạng, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, đã nhất quán chủ trương, đường lối trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc là xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân mà mục tiêu cốt lõi của nó là “Độc lập dân tộc, người cày có ruộng” và thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu trong lĩnh vực chính trị. Khi chuyển sang giai đoạn cách mạng XHCN dựa trên cơ sở kế thừa nền dân chủ nhân dân đã có, phải tiến hành ngay việc xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN mà mục tiêu xuyên suốt là: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ xã hội mới - xã hội XHCN. Xây dựng nền dân chủ XHCN là một trong những nhiệm vụ lâu dài và trọng yếu nhằm bảo đảm: “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân mà trên nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Vì vậy, vấn đề trung tâm là phải xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cùng với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của hội viên; thực hiện dân chủ XHCN; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi dân chủ là một mục tiêu cơ bản và không ngừng phát triển, hoàn thiện mục tiêu đó. Trong 25 năm đổi mới vừa qua, nền dân chủ XHCN ở nước ta không ngừng phát triển, góp phần ổn định chính trị xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, góp phần bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội, đưa nước ta từng bước vững chắc tiến lên theo con đường XHCN.

PGS-TS CAO DUY HẠ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.