An toàn giao thông

Khẩu hiệu an toàn giao thông “chuyển hướng” vào lòng người

Thứ Hai, 03/09/2012 | 16:11

Khẩu hiệu, thông điệp về an toàn giao thông (ATGT) là kênh truyền thông quan trọng. Gần đây, khẩu hiệu ATGT được “mềm hóa”, “đánh” vào tình cảm của người dân.

Tháng 9 đã đến. Hàng năm, đây là tháng cao điểm về lập lại trật tự ATGT. Riêng năm nay - 2012 là năm đặc biệt, bởi cả 12 tháng trong năm đều là “tháng ATGT”.

Trong Năm ATGT 2012, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Việc này hướng đến “thay đổi nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông, phải coi việc giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mình và của toàn xã hội; xây dựng và hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng” (Kế hoạch hành động Năm ATGT của Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu). Treo pa-nô, áp-phích, băng-rôn mang những khẩu hiệu, thông điệp ATGT là kênh truyền thông trực tiếp.

Lâu nay, khẩu hiệu về ATGT có các dạng: mệnh lệnh, nghiêm cấm (“Cấm phóng nhanh, vượt ẩu”, “Không được chở quá số người quy định”); cảnh báo (“Lạm dụng rượu, bia - hiểm họa ATGT”, “Nơi thường xảy ra tai nạn”); kêu gọi, nhắc nhở (“Đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy”, “ATGT - Hãy không ngoài cuộc”); thể hiện hành động (“Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông”, “Tích cực hưởng ứng thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ 2011 - 2020”).

Khẩu hiệu an toàn giao thông hướng về tình cảm của con người (ảnh chụp trên tuyến Phước Long - Vĩnh Mỹ, đoạn qua xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long). Ảnh: N.Q

Nhìn chung, khẩu hiệu ATGT đảm bảo được tính ngắn gọn, dễ thuộc. Song, hầu hết vẫn khô khan, cứng nhắc. Cho nên, chưa dễ thấm và chuyển hóa thành hành vi ứng xử đúng luật, có văn hóa của người tham gia giao thông.

Gần đây, đã có nhiều khẩu hiệu, thông điệp được “mềm hóa”, hướng đến chiều sâu trách nhiệm trong lòng mỗi người, đánh động đến tình cảm và văn hóa của người dân. “Lái xe bằng cả trái tim”, “Đằng sau tay lái là gia đình, người thân”, “Một người có ý thức chấp hành Luật Giao thông đem lại hạnh phúc cho nhiều người”, “Mọi người ủng hộ bạn nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông”…

Những khẩu hiệu mang nặng tính hành chính, mệnh lệnh đôi khi còn đưa đến “tác dụng phụ”. Với những người cố chấp, hiểu biết pháp luật chưa cao thì các khẩu hiệu giống như “bắt buộc” ấy thường không mang lại hiệu quả. Song, khi đề cập đến gia đình, người thân thì mọi người sẽ lưu tâm hơn. Người Việt Nam có thiên hướng sống tình cảm, coi trọng tổ ấm, “gia đình là số 1”. Làm gì để mang lại và duy trì hạnh phúc cho người thân? Có vô vàn cách thức. Có một cách đơn giản, không tốn công tốn của - đó là chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Chạy chậm một chút, quan sát kỹ hơn… thì độ an toàn sẽ tăng lên, và “đi đến nơi, về đến chốn”, không để vợ con, người thân trông ngóng, thấp thỏm âu lo. Đó là đã thể hiện tình yêu, trách nhiệm với gia đình. Và qua đó, nghiễm nhiên trách nhiệm với cộng đồng, xã hội cũng tăng lên. Những khẩu hiệu, thông điệp này cần được phổ biến ở nhiều nơi. Và chúng cũng cần được chuyển hóa vào các hình thức tuyên truyền khác như sân khấu, triển lãm ảnh, mỹ thuật…

Tuy nhiên, cũng cần có thêm những khẩu hiệu đi vào từng hành vi cụ thể và có tính hài hước, vui nhộn để gây chú ý mạnh với người dân. Vừa qua, một nhóm bạn trẻ ở Hà Nội đã làm nhiều người đi đường ngạc nhiên, thích thú vì những khẩu hiệu… “rất trẻ” và thiết thực của họ. Các bạn này đứng bên vệ đường cầm những khẩu hiệu được vẽ bằng nhiều màu sắc, có vần có điệu và dí dỏm, vui tươi. Đó là: “Hà Nội - không vội được đâu”, “Đi đúng làn, thấy thật an nhàn”, “Đi thong thả cho đỡ vất vả”, “Dừng đèn đỏ - chứng tỏ văn minh”. Tuổi trẻ Bạc Liêu có thể học tập cách làm hay nói trên!

NGUYỄN QUỐC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.