Chuông vàng vọng cổ 2012 - Phạm Thị Huyền Trang: “Em mắc nợ Bạc Liêu cả cuộc đời mình...”

Thứ Tư, 03/10/2012 | 16:41

Tôi theo Sở VH-TT&DL Bạc Liêu dự đêm Gala Chuông vàng vọng cổ lần thứ 7 với chủ đề “Chuông vàng về với đồng bằng” do Đài Truyền hình TP. HCM phối hợp với Sở VH-TT&DL TP. Cần Thơ tổ chức, để báo cáo với người ĐBSCL về kết quả cuộc thi danh giá Chuông vàng vọng cổ năm 2012 (do Đài Truyền hình TP. HCM phối hợp với Hội Sân khấu TP. HCM tổ chức hằng năm).

Chuông vàng vọng cổ 2012 - Phạm Thị Huyền Trang và Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Chí Thiện tại đêm Gala văn nghệ ở TP. Cần Thơ. Ảnh: P.T.N

Và rồi nhân vật trung tâm xuất hiện, đó là Chuông vàng vọng cổ năm 2012 - Phạm Thị Huyền Trang. Với vóc dáng mảnh mai, diễn xuất điêu luyện và giọng ca mượt mà, gợi cảm như có hồn của quê hương sông nước ĐBSCL, Phạm Thị Huyền Trang đã chinh phục hàng ngàn khán giả đêm 30/9, tại Công viên Sông Hậu (TP. Cần Thơ). Còn tôi thì thổn thức, nghe Trang ca vọng cổ mà ngẫm nghĩ: Vọng cổ Bạc Liêu sẽ sống mãi với những “lời ca có cánh” như thế.

Trả lời người dẫn chương trình rằng, khi đứng trên đài vinh quang thì Huyền Trang nghĩ gì? Cô bảo đại ý cô cám ơn nhiều thứ, trong đó có câu: “Tôi tạ ơn quê hương Bạc Liêu, quê hương bác Sáu Lầu...”. Câu nói ấy đã làm cho người mộ điệu Bạc Liêu hài lòng. Đó là câu nói hiếu hạnh, thể hiện phẩm chất của những cô gái thuần hậu vùng sông nước Nam bộ. Và người Bạc Liêu sẽ hài lòng hơn nếu hiểu sâu về cuộc đời Chuông vàng vọng cổ 2012 - Phạm Thị Huyền Trang. Họ sẽ thấy đó là một câu nói đầy đủ và sâu sắc.

Lúc ngồi trên xe lên dự đêm văn nghệ ở Cần Thơ, mấy cô nhân viên ở Sở VH-TT&DL Bạc Liêu đã cung cấp cho tôi vài thông tin loáng thoáng về Huyền Trang, rằng Trang không dính líu gì đến Bạc Liêu nhiều, mới 3 tuổi đã theo cha mẹ về Vĩnh Long rồi cha mẹ “gãy gánh”, rằng Trang đã có chồng...

Thế nhưng khi tiếp xúc với Huyền Trang, bằng giọng xúc động, chân thành, cô đã kể cho tôi nghe về cuộc đời của mình khác xa với những thông tin “bên lề” về cô. Phạm Thị Huyền Trang sinh năm 1986 tại ấp Tường Thắng A, xã Vĩnh Thanh, huyện Hồng Dân (nay là huyện Phước Long). Trang sinh ra trong một gia đình nghèo thời bao cấp, khi ấy cha mẹ cô được ông bà nội cho một cái nền nhà và một khoảnh ruộng “chó ngồi ló đuôi”. Trang nhớ mình đã sống trong một căn nhà lá nhỏ xíu. Ngày ngày, cha Trang đi vác mía thuê hay cùng mẹ đi cắt lúa mướn. Mỗi lần ra đồng họ đều mang Trang theo, rồi trải mấy cái bao bố trên nền đất cho Trang nằm. Ấp Tường Thắng A lúc đó nhà ai cũng nghèo, chạy gạo từng lon, nhưng được cái là xóm làng thương yêu nhau, đến với nhau khi hữu sự. Làng quê nghèo nhưng có một thứ rất giàu là đêm đêm trong xóm rộn ràng lời ca vọng cổ, những câu vọng cổ còn ngân vang cả ngoài đồng khi làm mùa. Thế là Trang bắt chước ca theo mấy cô, mấy chị. Nhà nghèo không có gì để giải trí, cô cứ ca cho vui đời nghèo khó. Rồi cô bắt chước hát theo vọng cổ trên Đài Phát thanh Minh Hải. Ca riết rồi quen, rồi hay dần, khi ấy mấy người già của xóm Tường Thắng A đã nói với cha mẹ Trang: “Chú thím Sáu ơi, ráng lo cho con Trang nó học ca, thế nào sau này nó cũng làm nghệ sĩ”. Được bà con, cha mẹ khuyến khích, Trang theo mấy chị, mấy cô đi đàn ca.

Đến năm 1997, lúc đó Trang 12 tuổi, thấy cha mẹ Trang nghèo quá, bên ngoại Trang ở tỉnh Vĩnh Long cho đất, rồi kêu mẹ Trang về Vĩnh Long sinh sống, làm ăn. Trang rời mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của mình với nhiều ký ức đẹp. Bây giờ Trang ngồi nhớ lại quê hương Bạc Liêu của mình, ở đó đời nghèo mà chứa chan tình làng nghĩa xóm, chia nhau từng lon gạo khi đói lòng; ở đó quê nghèo mà đồng ruộng mênh mông cánh cò và những bài vọng cổ bảng lảng chiều quê. Ở đó chẳng những là mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” với Trang mà nó còn là đất quê nghèo sinh ra hạt lúa cộng với giọt mồ hôi của cha mẹ, ông bà nuôi cho hình hài này lớn lên. Ở đó có tình làng nghĩa xóm, tình dòng tộc, có không gian nên thơ hun đúc nên tâm hồn nhạy cảm cần thiết cho một người làm nghệ thuật. Và cũng thật quan trọng, đó là quê hương bác Sáu Lầu, là “chiếc nôi” của vọng cổ và các bài cổ nhạc Bạc Liêu vang rộn làng quê, không biết tự bao giờ đã chấp cánh cho giọng hát mượt mà của Trang, làm nên gói hành trang cho Phạm Thị Huyền Trang - Chuông vàng vọng cổ của hôm nay.

Đó là điều rất thật mà Trang nói với tôi, nhờ chất giọng, nhờ thường xuyên ca hát mà khi về Vĩnh Long, Trang tham gia cuộc thi của tỉnh đoạt giải nhì, rồi được mời đi hát cho Đoàn nghệ thuật Quân khu 9, cho Trung tâm Văn hóa Cần Thơ.

Đó là quá trình Trang được rèn luyện và bản thân Trang đã nỗ lực học tập một cách gian khổ trong nghèo khó suốt ngần ấy năm. Và sự khổ luyện ấy đã được đền đáp xứng đáng khi em đã vượt qua hơn 600 thí sinh để đứng ngôi vị đầu bảng trong một cuộc thi danh giá - Chuông vàng vọng cổ năm 2012.

Kết thúc buổi diễn báo cáo đêm 30/9, phía sau cánh gà, Phạm Thị Huyền Trang đã nói với tôi: “Em xúc động đến ứa nước mắt, không ngờ đêm nay lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã lên tới đây để tặng hoa và quà. Em mắc nợ Bạc Liêu cả cuộc đời mình và bây giờ tiếp tục mắc nợ với lãnh đạo tỉnh”.

Tôi hỏi: “Nếu Bạc Liêu cần Trang về trong một đêm văn nghệ nào đó thì em xử sự ra sao trong lúc em quá bận rộn với báo chí, với khán giả, với các sô của Sài Gòn mời gọi khi đoạt Chuông vàng vọng cổ?”. Huyền Trang bảo: “Em sẽ về, dù bất cứ giá nào, ơn nghĩa nặng nề lắm anh ơi!”.

Có lẽ, Trang còn chưa biết điều này, việc tặng hoa và quà hôm ấy là có sự quan tâm đặc biệt của Bí thư Tỉnh ủy - Võ Văn Dũng dành cho Chuông vàng vọng cổ 2012 - Phạm Thị Huyền Trang.

Tôi tiếp tục hỏi Trang: “Cuộc sống riêng tư của em hiện nay thế nào?”. Huyền Trang cười bẽn lẽn: “Em vẫn chưa có chồng…”.

Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.