Nhịp cầu nhân ái

Cám cảnh mẹ già nuôi các con bệnh tật

Thứ Ba, 09/08/2016 | 08:46

Khi chúng tôi đến thăm căn nhà tình thương lâu năm đang dần xuống cấp của hộ bà Lý Thị Địt (56 tuổi, ngụ ấp Trà Ban I, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) cũng là lúc gia đình đang chuẩn bị bữa trưa. Thức ăn dành cho 5 người trong gia đình, kể cả 2 đứa con trai đang bị bệnh tai biến và cháu ngoại đang tuổi lớn chỉ là một nồi cơm và một tô canh rau bồ ngót nấu suông.

Bà Địt chăm sóc cho con trai lớn Sơn Huynh bị tai biến. Ảnh: Đ.H

Lâu lắm mới có khách đến nhà, bao nhiêu buồn lo, bất hạnh như bỗng có cơ hội trào ra trên khuôn mặt của bà bằng những dòng nước mắt rơi không ngừng. Chồng bà mất cách nay mười mấy năm sau một cơn tai biến, để lại cho bà 5 đứa con: 4 trai, 1 gái. 56 năm cuộc đời là ngần ấy thời gian cái nghèo đeo bám bà Địt vì không đất sản xuất, cũng không có nghề nghiệp ổn định, chỉ biết kiếm từng bữa cơm bằng việc mò cua, bắt ốc hay làm thuê bất cứ việc gì có người cần. Các con của bà lớn lên trong cơ cực và sự hy sinh lớn lao của người mẹ hiền. Thương mẹ ở tuổi xế chiều mà chưa có ngày thảnh thơi, những đứa con ấy dù thiếu học cũng tần tảo đi giúp việc nhà, đi phụ hồ để đỡ đần gia đình.

Những tưởng cuộc đời bà về già sẽ có lúc an nhàn, nhưng không may tai họa từ đâu ập tới. Chưa kịp vơi nỗi đau khi người con trai tên Sơn Long (28 tuổi) bị tai biến mất khả năng lao động, bà lại ngất đi vì hay tin người con trai lớn Sơn Huynh (32 tuổi) gặp tai biến nặng khi đang đi làm thuê, phải nuôi não và sống đời sống thực vật. Sau những ngày chạy vạy tiền bạc cứu chữa cho con ở TP. Hồ Chí Minh, bà đành đưa con về nhà chăm sóc vì Huynh không còn cơ hội hồi phục, lại thêm căn bệnh tiểu đường. Những ngày đau buồn sau đó, đứa con gái duy nhất của bà khi đi ở mướn đã bị cưỡng bức đến mang thai, một mẹ một con lại về bấu víu lấy bà… “Bao nhiêu bất hạnh liên tục ập đến cùng lúc khiến tôi chỉ còn nước muốn chết cho đỡ đau khổ, nhưng nghĩ đến chuyện mình chết rồi ai nuôi nấng con cháu, tôi lại gượng dậy mà sống, mà đi làm thuê làm mướn mỗi ngày” - bà giãi bày.

Thế rồi, bà lại nhận nuôi đứa cháu ngoại để con gái đi lấy chồng, chấp nhận cho đứa con trai út về sống bên vợ vì nhà cửa quá chật hẹp. Căn nhà tình thương hơn 20m2 cất hơn chục năm trước hiện là mái ấm của bà Địt cùng 3 đứa con trai và đứa cháu ngoại 8 tuổi. Chiếc giường nhỏ phía trước là nơi Sơn Huynh nằm để bà đút ăn, tắm rửa mỗi ngày. Trong căn buồng chật chội là nơi bà và cháu ngoại Sơn Quốc Đạt ngủ. Sơn Long và anh trai Sơn Hoàng nghỉ ngơi tại một góc nhỏ nép bên bếp lò. Nhà 5 người nhưng chỉ có bà Địt là lao động chính. Những đồng tiền ít ỏi từ việc bắt cá, hay phụ việc ở địa phương cũng không cho gia đình đủ cái no, nhất là việc thuốc thang cho hai đứa con bệnh tật.

Thương nhất vẫn là cậu bé Sơn Quốc Đạt, mặc dù mới 8 tuổi, cái tuổi cần được chăm sóc để lớn nhưng bé phải thường xuyên ăn cơm trắng để đến trường, chuyện mua quà bánh hay được uống sữa như các bạn trang lứa là điều rất xa xỉ mà Đạt chưa từng dám mơ tới. Hiện, Đạt chuẩn bị vào lớp 2, chỉ còn vài ba hôm nữa là đến ngày tựu trường nhưng bé cũng chưa được mua cho tập sách hay quần áo mới. Nhắc đến ngày đi học, cậu bé gục đầu, nước mắt rơi vì lo lắng với gia cảnh quá khó khăn của bà ngoại và các cậu, việc học của bé có nguy cơ dang dở.

Biết gia cảnh bà Địt rất đáng thương, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình hưởng các chế độ của hộ nghèo, người khuyết tật, tuy nhiên trên thực tế, gia đình còn đang rất cần sự tương thân tương ái của cộng đồng, nhất là sự hỗ trợ, tiếp sức để cậu bé mồ côi Sơn Quốc Đạt được tiếp tục đến trường.

Mọi sự giúp đỡ, xin gửi về địa chỉ gia đình, hoặc Tòa soạn báo Bạc Liêu, điện thoại 0781.3.829598.

ĐÌNH HẢI

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.