Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Cần tăng cường đầu tư cho mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Thứ Tư, 12/09/2018 | 15:32

TP. Bạc Liêu là một trong những địa phương tiên phong trong thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh và nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, với việc đầu tư khu nông nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) hứa hẹn sẽ mở ra đột phá và tạo sức lan tỏa cho phát triển mô hình nuôi tôm theo quy trình, công nghệ tiên tiến.

Doanh nghiệp giới thiệu công nghệ nuôi tôm và thuốc thú y thủy sản tại Hội chợ phát triển tôm Bạc Liêu năm 2018. Ảnh: L.D

Nông dân thiếu vốn

Với 6.000ha đất nuôi trồng thủy sản, trong đó, có 5.400ha đất nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh, TP. Bạc Liêu được xem là địa phương có diện tích nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh lớn nhất tỉnh. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn thành phố có hơn 80 đơn vị, tổ chức, cá nhân đã và đang đăng ký thực hiện mô hình “nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao” (NTTCƯDCNC) với tổng diện tích hơn 34ha (gồm 397 ao nuôi và 98 ao ương).

So với nuôi tôm truyền thống trước đây, mô hình NTTCƯDCNC đã chứng minh được tính hiệu quả và thân thiện với môi trường, nhất là vượt trội về năng suất (bình quân đạt 36 tấn/ha). Đặc biệt, tỷ lệ bị thiệt hại chiếm rất thấp, chỉ khoảng 3,39%.

Tuy nhiên, việc phát triển và nhân rộng mô hình NTTCƯDCNC không phải là chuyện dễ làm, do mức đầu tư mô hình khá lớn. Để đầu tư cho 1ha mặt nước NTTCƯDCNC thấp nhất cũng phải từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Con số này quá cao so với thu nhập và khả năng tích lũy của nông dân. Vì vậy, muốn phát triển và ứng dụng mô hình này, nông dân phải dựa vào vốn vay từ ngân hàng và phải có tài sản thế chấp, tài sản ấy phải có giá trị cao hơn 2 tỷ đồng. Cụ thể, trong danh sách 8 hộ thí điểm NTTCƯDCNC được UBND tỉnh phê duyệt từ đầu năm, nhưng đến tháng 8/2018 các ngân hàng chỉ giải quyết cho 3/8 hộ vay, mặc dù các hộ này có tài sản thế chấp.

Hạ tầng gặp khó

Một khó khăn khác là hệ thống thủy lợi được xây dựng từ những năm 1990 đã không còn phù hợp cho mô hình NTTCƯDCNC, nhất là trong việc lấy nước, xả thải nước… Vì vậy, các ngành chức năng tỉnh cần quy hoạch lại cụ thể cho từng vùng nuôi tôm, trên cơ sở đó quy hoạch lại hệ thống thủy lợi phù hợp với từng vùng nuôi để chống ô nhiễm.

Một bất cập khác cũng gây khó khăn cho phát triển mô hình NTTCƯDCNC là xử lý ô nhiễm môi trường sau thu hoạch và tôm nuôi bị thiệt hại. Theo tính toán của các chuyên gia nuôi trồng thủy sản, để nuôi được 1 tấn tôm thành phẩm thì phải cung cấp từ 2 - 2,5 tấn thức ăn. Cũng như 1ha mặt nước nuôi tôm cho 30 tấn thành phẩm thì sẽ thải ra môi trường từ 20 - 22 tấn chất thải (có 30% thức ăn dư thừa). Đó là chưa tính đến các loại hóa chất phục vụ trong quá trình nuôi còn tồn lưu trong nước và đất. Trong khi, hiện nay các hộ đăng ký nuôi tôm siêu thâm canh nhỏ lẻ (vài ngàn m­ét vuông) nên không đủ diện tích xây dựng ao lắng, ao xử lý nước thải, khu chứa nguyên vật liệu… Do vậy, sau thu hoạch hoặc khi tôm bị thiệt hại, người nuôi thường xả thải trực tiếp ra các kênh thủy lợi, gây ô nhiễm cục bộ…

Về chất lượng tôm giống, trên địa bàn thành phố có 2 cơ sở sản xuất tôm giống đạt chuẩn quốc gia (Việt Úc, Kim Sa) và hơn 60 cơ sở kinh doanh tôm giống. Điều đáng quan tâm là các cơ quan chức năng chưa kiểm tra chặt chẽ chất lượng tôm giống của 60 cơ sở này; công tác xét nghiệm, kiểm định chất lượng con giống chưa tốt, gây khó khăn cho phát triển sản xuất. Đồng thời việc quản lý chất lượng vật tư, thuốc thú y phục vụ nuôi trồng thủy sản cũng còn nhiều bất cập…

Để TP. Bạc Liêu trở thành trung tâm phát triển mô hình NTTCƯDCNC, tỉnh và các ngành hữu quan cần tăng cường đầu tư cho phát triển hạ tầng, kỹ thuật và khai thông đồng vốn, có chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng mô hình này.

Bảo Hoàng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.