Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Để du lịch ẩm thực được phát huy

Thứ Tư, 22/04/2020 | 15:32

So với các địa phương khác trong tỉnh, TP. Bạc Liêu có nhiều tiềm năng, thế mạnh cho phát triển du lịch ẩm thực. Bởi ngoài thế mạnh tập trung nhiều cơ sở dịch vụ kinh doanh và khu ẩm thực, thành phố còn là nơi hội tụ về văn hóa của ba dân tộc anh em Kinh - Hoa - Khmer.

Món mì trong tế lễ và được chế biến mamg ý nghĩa trường thọ của người Hoa Bạc Liêu.

NHIỀU MÓN NGON

Khảo sát các món ăn gắn với TP. Bạc Liêu được du khách trong, ngoài nước biết đến sẽ không quá khó nếu truy cập vào các trang thông tin điện tử giới thiệu về các món ngon và hấp dẫn ở Bạc Liêu. Đó là bún nước lèo chợ Xóm Mới, bún bò cay Ánh Nguyệt, mì khô Chú Chi, mì xào Ông Chúa, bánh củ cải Thiên Lý, bánh xèo A Mật, lẩu Công tử… Ngoài ra, còn có đến hàng chục món ngon khác như: hủ tiếu, bánh cống, chè thái, sâm bổ lượng, bánh cuốn chả lụa, mì vịt tiềm… được bán ở khu ẩm thực chợ đêm.

Bạc Liêu tuy có nhiều món ngon và hấp dẫn du khách, nhưng để phát huy giá trị và cả lợi ích kinh tế từ các món ngon này vẫn là câu chuyện đáng phải bàn.

Một trong những bất cập ấy chính là các món ngon chỉ mới dừng ở “việc ăn”, còn trải nghiệm về văn hóa từ các món ngon ấy thì gần như chưa được quan tâm. Trong khi đó, một trong những nhu cầu và quyết định đến giá trị của các món ngon chính là hàm lượng văn hóa được kết tinh từ các món ngon ấy. Bởi đối với du khách, thưởng thức một món ngon không đơn giản là thưởng thức “sắc, hương, vị” mà còn là nhu cầu khám phá, trải nghiệm và hưởng thụ văn hóa.

Một món ngon sẽ hấp dẫn du khách hơn khi nó được “thổi hồn” và có cả lịch sử hình thành. Hay nói cách khác, các câu chuyện mang tính văn hóa ấy sẽ kích thích nhu cầu muốn ăn, muốn khám khá và hưởng thụ văn hóa. Cụ thể trong khai thác văn hóa Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, các công ty khai thác du lịch phải xây dựng được một bữa cơm đậm chất “Hắc Công tử” gắn với những giai thoại và thú vui ẩm thực của cậu công tử lắm của nhiều tiền. Qua đó, kích thích du khách muốn được làm công tử và muốn được xài tiền. Hay như đã về Bạc Liêu, ngoài được chơi như công tử, ngủ như công tử cũng cần phải được ăn như công tử. Đơn cử như món lẩu Công tử, cần một thuyết minh về lịch sử hình thành món ăn này, cái ngon và cái độc đáo của nó được kết hợp như thế nào trong nghệ thuật ẩm thực chứ không đơn giản là một món ăn bổ dưỡng. Bởi món ăn này được chế biến rất kỳ công với nhiều loại thủy hải sản như: mực, cá, lươn, tôm, chả… kết hợp với nước dừa tươi, vị cay, ngọt của món Thái và nhiều loại rau sống nhúng vào.

Tôm hấp nước dừa - một trong những món ngon của Bạc Liêu.

Sở dĩ quan tâm đến nguồn gốc và lịch sử của các món ăn vì nó mang một ý nghĩa quan trọng đến việc nâng chất cho món ăn mà trước hết là giải quyết nhu cầu khám phá, hưởng thụ văn hóa cho du khách. Như món mì thọ của người Hoa có lịch sử ra đời hàng ngàn năm và gắn với văn hóa cát tường của người Hoa. Trong các nghi lễ lớn như: tổ chức lễ tạ thần, mừng thọ, ăn năm mới hoặc các ngày lễ lớn của cộng đồng người Hoa hay tổ chức cúng mì và chế biến các món ăn từ mì. Sợi mì đem cúng tế lễ phải là cả một bó và không bị đứt, sau đó được buộc giấy đỏ bên ngoài. Do mì được làm thành sợi và có màu vàng nên tượng trưng cho sự may mắn, cát tường và sự trường thọ. Cũng giống như cọng mì được kéo thành cuộn mang ý nghĩa nối tiếp và không bao giờ đứt. Vì vậy, trong tất cả các lễ hội của người Hoa, tục cúng mì và thích chế biến món mì đã trở thành một nét đẹp văn hóa đậm tính truyền thống của người Hoa ở Bạc Liêu, nhất là món mì xào ăn trong tết đoàn viên. Ăn mì sẽ mang lại cát tường và may mắn, hỏi du khách nào lại không có nhu cầu muốn được khám phá, đặc biệt khi Bạc Liêu xem phát triển văn hóa lễ hội chính là “cái xương sống” của ngành Du lịch.

 

LAN TỎA VĂN HÓA ẨM THỰC

Có một thực tế phải thừa nhận rằng, TP. Bạc Liêu tuy hình thành nhiều khu và điểm du lịch ẩm thực nhưng phần lớn mang tính tự phát và cần phải quy hoạch, sắp xếp lại. Đặc biệt là cần có chiến lược phát triển cho các món ngon chủ lực gắn với thế mạnh và văn hóa đặc thù.

Xuất phát từ thực tế này nên nhiều món ngon trên địa bàn TP. Bạc Liêu hiện nay chưa trở thành đặc sản mang tính đặc trưng của các địa phương khác mà mỗi khi nhắc đến là du khách nghĩ đến ngay như: Ba khía Rạch Gốc, cua Cà Mau, bánh canh, bánh tráng Trảng Bàng, bánh tét Trà Khuôn, bánh pía Sóc Trăng…

Du khách thưởng thức các loại bánh, mứt tại Hội chợ Thương mại - du lịch Bạc Liêu năm 2020. Ảnh: L.D

Bạc Liêu đã và đang quyết tâm xây dựng trở thành “thủ phủ” tôm cả nước và con tôm cũng được đề xuất đưa vào phát triển du lịch. Vậy, nếu du khách muốn thưởng thức tất cả các món ngon được chế biến từ con tôm sẽ ăn ở đâu? Bạc Liêu đến nay chưa có câu trả lời!

Phản ánh bất cập này để thấy rằng, đã đến lúc ngành quản lý và các công ty khai thác du lịch cần quan tâm nhiều hơn đến du lịch ẩm thực mang tính đặc thù. Vì chẳng có cái thú nào hơn khi du khách được tận mắt chứng kiến con tôm đang nhảy tanh tách được chế biến ngay thành các món tươi ngon.

Một vấn đề quan trọng khác, để du lịch ẩm thực trở thành phong trào gắn với phương châm “nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch” cũng cần tổ chức nhiều hơn nữa các sự kiện ẩm thực thay vì như lâu nay chỉ “ăn theo” lễ hội. Đó là các cuộc thi nấu món ngon địa phương, hội thi đầu bếp tranh tài, thậm chí nâng tầm thành lễ hội ẩm thực vùng miền như lễ hội bánh dân gian ở TP. Cần Thơ được tổ chức hàng năm, thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách trong, ngoài nước tham gia trải nghiệm. Nếu cần cũng nên tổ chức cả các cuộc thi ẩm thực cấp vùng để thu hút du khách bằng các món ngon “siêu to khổng lồ” đạt kỷ lục để tạo tâm lý thích thú cho du khách khám phá.

Ngoài ra, cần quan tâm và đầu tư xây dựng các chiến lược truyền thông trong việc quảng bá ẩm thực, nhằm nâng tầm văn hóa và các giá trị được kết tinh từ các món ngon thông qua các câu chuyện để các món đặc sản này đáp ứng sự mong muốn được trải nghiệm, khám phá và tận hưởng từ du khách.

LƯ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.