Nhịp sống đô thị

​TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh và phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị

Thứ Tư, 07/03/2018 | 15:09

Để đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị và giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, thời gian qua, Hội đồng Khoa học - công nghệ (KH-CN) TP. Bạc Liêu triển khai nhiều mô hình sản xuất cho nông dân. Đồng thời khuyến khích bà con mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.

Điểm bán hoa lan (ảnh trên) và mô hình nuôi cá sấu thương phẩm trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: L.D

TP. Bạc Liêu có lợi thế về giao thông, thị trường nên khá thuận lợi cho việc phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị. Để khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh này, thành phố đã và đang tăng cường chuyển giao nhiều mô hình sản xuất mới cho nông dân. Tùy theo điều kiện, đặc thù của từng địa phương, tập quán sản xuất của người dân trên địa bàn mà thành phố lựa chọn, chuyển giao các mô hình KH-CN phù hợp. Cụ thể, đối với xã Vĩnh Trạch Đông thì chuyển giao mô hình trồng giống lúa mới chịu phèn; nuôi cá đối mục trong ao đất; xã Hiệp Thành thực hiện mô hình nuôi cá dứa, nuôi gà tây (gà lôi) thương phẩm; xã Vĩnh Trạch và phường Nhà Mát thì áp dụng mô hình nuôi rắn ri tượng thương phẩm; phường 5 và phường 8 nuôi cá chình, lươn thương phẩm trong bể xi măng… Ngoài ra, các ngành chức năng TP. Bạc Liêu còn khuyến khích người dân phát triển các mô hình nuôi trang trại đối với động vật hoang dã như cua đinh, rắn hổ hèo, cá sấu, đà điểu…

So với sản xuất nông nghiệp thông thường, các mô hình này mang lại lợi nhuận khá cao. Đơn cử như mô hình nuôi rắn hổ hèo thương phẩm ở xã Hiệp Thành, bình quân mỗi con rắn hổ hèo sau khi nuôi với thời gian 1 năm đạt trọng lượng trung bình 1,2 kg/con, tỷ lệ nuôi sống 80%. Với giá bán rắn thương phẩm hiện nay khoảng 500.000 đồng/kg sẽ giúp người nuôi thu lãi cao.

Cùng với đa dạng hóa các vật nuôi, thành phố khuyến khích người dân trồng và phát triển các loại hoa kiểng gắn với kinh doanh hoa kiểng. Đây cũng là mô hình mang lại lợi nhuận khá cao. Như mô hình trồng lan Hồ Điệp và lan Dendro nắng trong nhà lưới được đánh giá đạt kết quả tốt và có thể nhân rộng.

Có thể nói, việc phát triển và ứng dụng KH-CN trên địa bàn TP. Bạc Liêu thời gian qua có nhiều tiến bộ. Hoạt động KH-CN luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Sở KH-CN, Thành ủy, UBND thành phố và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành và địa phương. Kế hoạch KH-CN được UBND thành phố phê duyệt ngay từ đầu năm, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị triển khai thực hiện đúng tiến độ. Các đề tài, mô hình khoa học đã tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của thành phố. Một số mô hình thí điểm có khả năng ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất theo định hướng phát triển mô hình nông nghiệp đô thị.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí Nhà nước cấp hàng năm cho nghiên cứu, ứng dụng KH-CN cấp cơ sở (thực hiện quy trình sản xuất nuôi trồng những cây, con giống mới) còn quá ít so với yêu cầu. Do đó chủ nhiệm đề tài hoặc cơ quan chủ quản không thể can thiệp hoặc đơn phương quyết định 100% công việc khi có phát sinh ngoài hợp đồng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, nhất là về giá cả, đầu ra còn bấp bênh nên nông dân chưa an tâm đầu tư và nâng chất các mô hình. Cùng với đó, những mô hình đã nghiên cứu ứng dụng, thực hiện thành công của những năm trước như: măng tây xanh, lan Hồ Điệp, nhãn mới, lan Mokara, sứ nhiều màu hoa, rau thủy canh, giống lúa ST 20… không có nguồn kinh phí để chuyển giao, nhân rộng cho nông dân. Từ đó, làm ảnh hưởng đến phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị.

Vấn đề trên cần được chính quyền và ngành chức năng TP. Bạc Liêu quan tâm hơn nhằm giúp các mô hình nông nghiệp đô thị ngày càng phát triển bền vững

LÂM VĨNH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.