Bài toán nào cho vùng chuyên lúa?

Thứ Hai, 11/06/2018 | 17:10

Năm 2018 được xác định là mốc thời gian các địa phương đã đi nửa chặng đường trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ. Vì vậy, việc mạnh dạn đánh giá đúng những việc đã làm được và chưa được có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, có ngay các giải pháp để tăng tốc, góp phần cho tăng trưởng chung của tỉnh.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi cấy lúa (ảnh trái) và thu hoạch lúa. Ảnh: L.D

VÌ SAO KHÓ PHÁT TRIỂN?

So với những địa phương khác, huyện Vĩnh Lợi có  nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Ngoài lợi thế là huyện cửa ngõ giáp với Quốc lộ 1A, Vĩnh Lợi còn nằm gần TP. Bạc Liêu được xem là trung tâm kinh tế, hành chính của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay huyện Vĩnh Lợi vẫn là địa phương có tốc đột phát triển chậm, đời sống và thu nhập của người dân còn thấp, hộ nghèo còn khá cao.

Nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là do kinh tế của huyện Vĩnh Lợi lâu nay gần như lệ thuộc hoàn toàn vào cây lúa. Cụ thể, huyện có 20.452ha đất nông nghiệp thì diện tích sản xuất lúa đã chiếm hơn 17.000ha. Xuất phát từ thế mạnh kinh tế chủ yếu là cây lúa, nên sản xuất luôn phải đối đầu với nhiều khó khăn và khó tạo nên những bước đột phá mới để Vĩnh Lợi tăng tốc. Đáng quan tâm hơn, với việc sản xuất từ 2 - 3 vụ lúa/năm, cây lúa đã trở thành nguồn thu nhập chính của người nông dân. Thế nhưng, sản xuất lúa đến nay vẫn mang tính tự phát, tự sản, tự tiêu là chính và chưa hình thành nên những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn theo mô hình sản xuất chuỗi. Đơn cử như trong xây dựng cánh đồng lớn, đến nay toàn huyện chỉ có 138,7ha và thu hút 99 hộ nông dân ở xã Vĩnh Hưng A tham gia. Hay trong tổ chức sản xuất, toàn huyện chỉ có 7 hợp tác xã nông nghiệp, 105 tổ hợp tác và chỉ thu hút khoảng 7% số hộ nông dân tham gia. Trong khi đối với sản xuất nông nghiệp, muốn có thu nhập cao phải xây dựng và tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã và đây cũng là điều kiện không thể thiếu trong việc xây dựng vùng sản xuất hàng hóa lớn theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Thiếu liên kết và chưa xây dựng được chuỗi đã làm cho giá trị hạt lúa chưa thể phát huy. Ngoài sản xuất phải đối mặt với thời tiết, thiên tai, đầu ra cho hạt lúa cũng lâm vào tình cảnh “trúng mùa, mất giá”. Rồi huyện Vĩnh Lợi cũng đã xây dựng thương hiệu cho lúa Tài nguyên nhưng giá trị của hạt lúa vẫn chưa thể tăng thêm và nhiều nông dân vẫn chưa thể làm giàu. Hiện tại, huyện lại tiếp tục phục tráng, nâng cao giá trị cho lúa Tài nguyên và khuyến khích nông dân phát triển giống lúa này, vì nhiều nơi nông dân đã không còn mặn mà với giống Tài nguyên và chuyển sang sản xuất các giống lúa chất lượng cao khác theo nhu cầu của thị trường.

LÀM GÌ ĐỂ ĐỘT PHÁ?

Đất lúa thì không thể chuyển đổi, vậy huyện Vĩnh Lợi phát triển như thế nào nếu như cứ phải ôm cây lúa? Do vậy, một giải pháp cần được Vĩnh Lợi quan tâm là tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng và mạnh dạn xây dựng, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho huyện xây dựng lại quy hoạch nhằm tăng tốc và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có.

Đối với cây lúa, nếu như Vĩnh Lợi xác định đây là cây trồng chủ lực thì phải mạnh dạn thay đổi hoàn toàn tạp quán sản xuất cũ bằng một mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, thậm chí là sản xuất lúa thảo dược với giá trị mang lại cao hơn gấp nhiều lần so với sản xuất lúa truyền thống.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào cây lúa thì vẫn chưa thể giúp Vĩnh Lợi phát triển, vì thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy, đến nay tổng thu ngân sách của Vĩnh Lợi chỉ đạt từ 30 - 40 tỷ đồng/năm. Trong khi tổng chi ngân sách hơn 240 tỷ đồng/năm và bộ máy hoạt động của Vĩnh Lợi lâu nay vẫn còn dựa vào ngân sách. Do vậy, Vĩnh Lợi cần phát triển nhanh thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng để góp phần chuyển đổi nhanh cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động (vì đến nay Vĩnh Lợi vẫn còn gần 80% lao động trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp).

Vĩnh Lợi hoàn toàn có thể thay đổi mô hình tăng trưởng từ việc phát huy lợi thế của huyện cửa ngõ. Đó là phát triển các khu, cụm công nghiệp ngay khu vực giáp Quốc lộ 1A. Bởi đây là điều kiện cần của một khu công nghiệp vừa thuận lợi về giao thông trong tập kết vận chuyển hàng hóa, vừa nằm xa các khu dân cư tập trung sẽ tạo thuận lợi cho việc xử lý nước thải, tiếng ồn..., nhất là công nghiệp chế biến hàng nông, lâm và thủy sản.

Mặt khác, địa bàn TP. Bạc Liêu có gần 1.000 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nằm đan xen trong khu dân cư và đến nay chưa thể di dời vì không còn quỹ đất. Bởi khu công nghiệp Trà Kha đã cơ bản được lấp đầy và cũng không thể đưa hết số cơ sở này vào sản xuất, do ngành nghề sản xuất khác nhau gây khó cho việc quản lý nguồn nước cấp, nước thải. Nếu các cơ sở sản xuất này được tập trung về khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh và tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay. Đồng thời, các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp sẽ gặp nhiều thuận lợi về giao thông và tranh thủ cả lực lượng lao động dồi dào đang trong độ tuổi lao động với hơn 62.700 người. Làm được điều này cũng đồng nghĩa với việc giúp TP. Bạc Liêu giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất và thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng thành phố du lịch xanh - sạch - đẹp - văn minh và từng bước hiện đại.

Muốn vậy, huyện Vĩnh Lợi cần đề xuất thay đổi quy hoạch cụm công nghiệp đã được quy hoạch ở xã Hưng Thành trước đây về tuyến Quốc lộ 1A. Vì thực tế cụm công nghiệp ở xã Hưng Thành không còn phù hợp, nhất là khi khu vực Hưng Hội, Hưng Thành đang tập trung phát triển du lịch văn hóa (chùa Hưng Thiện). Việc phát triển cụm công nghiệp ở khu vực này sẽ không đảm bảo về hạ tầng, không thuận lợi về giao thông và trong tương lai sẽ tác động xấu đến phát triển của ngành Du lịch.

Bài toán cho vùng đất lúa thật sự không dễ dàng, nhưng huyện Vĩnh Lợi hoàn toàn có thể thực hiện được các mục tiêu này, nhằm đưa huyện phát triển nhanh, bền vững và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có.

LƯ  DŨNG

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.