Cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi

Thứ Hai, 29/03/2021 | 16:37

Những năm qua, các công trình thủy lợi, thủy nông nội đồng không ngừng được củng cố, nâng cấp đồng bộ, góp phần phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nạo vét tuyến kênh nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TX. Giá Rai. Ảnh: C.L

Từng bước hoàn thiện

Từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp luôn được tỉnh ưu tiên nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nhằm chủ động nguồn nước trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 101 cống đầu mối, được chia thành 6 hệ thống để quản lý, vận hành. Bên cạnh đó, tỉnh còn có 940 kênh mương được phân chia thành 3 cấp, trong đó, UBND tỉnh quản lý các tuyến kênh liên huyện, còn lại do địa phương quản lý. Các công trình thủy lợi này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp và phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt là cung cấp nguồn nước phục vụ hàng trăm ngàn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Ngay (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Việc xây dựng các công trình thủy lợi, khơi thông dòng chảy của hệ thống kênh, mương nội đồng đã giúp nông dân chúng tôi chủ động được nước tưới, đảm bảo gieo cấy theo đúng lịch khung thời vụ. Đồng thời thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân từ chỗ phụ thuộc vào yếu tố thời tiết thì nay đã chủ động trong việc luân canh, tăng vụ”.

Tuy nhiên, trên thực tế, hạ tầng thủy lợi của tỉnh vẫn còn nhiều “lỗ hổng”, “chắp vá”. Cụ thể, hàng năm các địa phương nằm ở vùng Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh đều phải đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng các con đập tạm phục vụ sản xuất của người dân. Sau mỗi vụ, những con đập này hiển nhiên bị phá bỏ để khơi thông dòng chảy phục vụ việc vận chuyển lúa gạo. Hoặc sau mỗi vụ lúa, hoa màu bị ngập úng, thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, tỉnh cũng đều phải xuất kinh phí hàng tỷ đồng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, tái đầu tư sản xuất. Vậy, vấn đề đặt ra là tại sao các địa phương ở vùng Bắc không dùng kinh phí xây đập tạm hàng năm để đầu tư hạ tầng thủy lợi?! Thay vì xuất kinh phí hàng tỷ đồng để khắc phục hậu quả sau thiên tai, phải chăng tỉnh cần đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng ở những nơi thường xuyên xảy ra ngập úng, xâm nhập mặn. Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng: “Để các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả, thời gian tới, các địa phương cần tính toán đến việc xây dựng các công trình thủy lợi mang tính ổn định, lâu dài, hạn chế xây dựng các công trình phụ, tạm, xong vụ lại phá bỏ, vừa tốn kém, vừa không mang lại lợi ích lâu dài. Cùng với đó, cần tiếp tục bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác quản lý vận hành, sửa chữa, nâng cấp, khắc phục những hư hỏng sau thiên tai. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Nhất là xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thủy lợi. Được như vậy thì các công trình thủy lợi không chỉ đảm bảo tưới tiêu cho việc canh tác mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh”.

Cần hướng đến mục tiêu kiên cố, bền vững

Mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng công tác phát triển thủy lợi chưa thật sự gắn với từng vùng, từng địa phương, từng cây trồng, vật nuôi và gắn với phát triển thủy sản. Đặc biệt là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết có nhiều diễn biến cực đoan, mưa lũ không theo quy luật, tác động tiêu cực của việc xây dựng, vận hành các công trình thủy lợi, thủy nông nội đồng. Để các công trình thủy lợi, thủy nông nội đồng thật sự phát huy hiệu quả, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh cần nâng cao nhận thức về vai trò của các tổ thủy nông cơ sở; tiến hành rà soát các công trình thủy lợi sau đầu tư chưa có hợp tác xã, tổ quản lý, rà soát những công trình hư hỏng, không hoạt động, hoạt động kém hiệu quả để có giải pháp khắc phục hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi đảm bảo chủ động cấp, tiêu nước bền vững, tiết kiệm nước phục vụ cho các vùng nuôi trồng thủy sản và một số loại cây trồng có thế mạnh của tỉnh.

Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh cần tranh thủ nhiều nguồn vốn, tập trung xây dựng kênh mương nội đồng, các công trình thủy lợi nhỏ, đảm bảo chủ động nước tưới cho diện tích đất sản xuất, đồng thời kết hợp lồng ghép, sử dụng có hiệu quả vốn của các chương trình, chính sách… để ưu tiên, tạo bước đột phá mới trong quá trình phát triển thủy lợi nhỏ và kiên cố hóa kênh mương, góp phần củng cố, xây dựng và đảm bảo tiêu chí số 3 về thủy lợi trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Mới đây, tại buổi làm việc với các địa phương trong tỉnh về công tác phòng chống hạn mặn cho vùng Bắc Quốc lộ 1A diễn ra ở huyện Hồng Dân, Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng đã chỉ đạo: Để lĩnh vực nông nghiệp phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của tự nhiên thì ngành Nông nghiệp cần có phương án, kế hoạch cụ thể, mà trước hết là cần tập trung rà soát lại toàn bộ hệ thống cống, đập xung yếu, xuống cấp để có phương án duy tu, sửa chữa, kịp thời phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của người dân. Đồng thời, cần tính đến phương án xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa lớn, kêu gọi công ty, doanh nghiệp vào bao tiêu giúp người dân yên tâm sản xuất”.

Song Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.