Cần chủ động phòng tránh dịch bệnh gây hại lúa hè thu

Thứ Hai, 17/06/2019 | 15:54

Vào thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã xuống giống dứt điểm vụ lúa hè thu năm 2019 với diện tích 58.800ha. Nhìn chung, trà lúa hè thu năm nay phát triển khá tốt. Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, bà con cần thăm đồng thường xuyên, chủ động phòng tránh rủi ro, dịch bệnh gây hại lúa.

Nông dân huyện Hồng Dân chăm sóc lúa hè thu. Ảnh: C.L

Cũng như mọi năm, cơ cấu giống cho vụ lúa hè thu năm nay gồm các giống lúa chủ lực: OM 5451, OM 4900, OM 6976, Nàng hoa 9, Đài thơm 8 và RVT. Ngoài ra, còn một số giống lúa bổ sung như OM 2517, OM 7347, OM 9921, Lộc trời 1, DS1. Hiện nay, lúa trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và phát triển khá tốt. Tuy nhiên, một số trà lúa xuất hiện rầy nâu, bệnh đạo ôn và một số loại dịch bệnh khác phá hại (nhưng với mật độ và tỷ lệ thấp).

Trong tuần qua, toàn tỉnh có 16.435ha lúa bị nhiễm sâu bệnh cần phòng trừ và bà con đã phòng trừ 10.405ha. Ông Trần Thịnh Trinh (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Năm nay thời tiết mưa nắng thất thường, tạo điều kiện cho một số loại dịch bệnh như: sâu cuốn lá, rầy nâu, nhện gié… phát triển gây hại lúa. Song, nhờ khuyến cáo của ngành chức năng nên tôi và nhiều bà con đã chủ động phun xịt thuốc phòng ngừa dịch bệnh gây hại, bảo vệ lúa”.

Ở huyện Phước Long, nông dân xuống giống dứt điểm lúa vụ hè thu 2019 với hơn 13.700ha, lúa phát triển khá tốt. Theo ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long: “Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh gây hại lúa hè thu, huyện chỉ đạo các ngành liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến sâu bệnh; đồng thời hướng dẫn nông dân cách phòng trừ hiệu quả. Bên cạnh đó, kiểm tra, nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ sản xuất; gia cố các hệ thống đê bao tại các xã vùng trũng thấp để tránh bị ngập úng cục bộ vào cuối vụ”.

Từ đầu vụ sản xuất lúa hè thu 2019 đến nay, do nông dân đồng loạt lấy nước canh tác nên mực nước ở các tuyến kênh nội đồng xuống thấp, bà con phải dùng máy để bơm nước vào ruộng, dẫn đến chi phí sản xuất tăng. Bên cạnh đó, giá phân bón, giá thuê nhân công và nhiều loại vật tư nông nghiệp cũng tăng, khiến nông dân lo lắng. Ông Nguyễn Văn Ân (xã Hưng Phú, huyện Phước Long) chia sẻ: “Chi phí sản xuất lúa vụ hè thu năm nào cũng cao hơn so với những vụ mùa khác, trong khi năng suất lúa lại khá thấp. Năm nay, ước tính chi phí tăng khoảng 300.000 - 500.000 đồng/công vụ lúa hè thu”.

Hiện nay, các cấp chính quyền và các ngành chức năng tỉnh hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra. Các địa phương cử cán bộ kỹ thuật bám địa bàn, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, bảo vệ lúa hè thu, phòng trị sâu bệnh kịp thời, hiệu quả. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa tình trạng cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc tăng giá thuốc; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.