Cần có giải pháp chiến lược cho phát triển rau màu ở Bạc Liêu

Thứ Hai, 25/05/2020 | 16:56

Với thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, ngoài con tôm và cây lúa là hai sản phẩm chủ lực thì rau màu được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. So với trồng lúa, thu nhập bình quân từ mô hình trồng rau màu mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp 10 lần và phù hợp với những nông dân ít đất sản xuất.

Thực tế chứng minh, mô hình sản xuất rau màu đã mang lại thu nhập cho người nông dân từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, sản xuất lúa mỗi năm chỉ đạt khoảng 50 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình trồng rau cần nước trong nhà lưới của hộ ông Dương Văn Vui (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long).

CHƯA KHAI THÁC ĐÚNG MỨC TIỀM NĂNG

Bạc Liêu được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển mạnh nghề trồng màu. Vì ngoài các vùng chuyên sản xuất rau màu, các mô hình trồng màu còn phát triển mạnh trên đất lúa (như mô hình lúa - màu, trồng màu dưới ruộng). Không chỉ thế, rau màu còn phát triển trên cả vùng đất phèn mặn gắn với mô hình trồng rau màu trên bờ líếp vuông tôm ở vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A.

Tuy nhiên, diện tích cây màu của tỉnh phát triển không nhiều và tổng diện tích cây thực phẩm nói chung được xuống giống trong năm 2019 chỉ khoảng 17.270ha, với năng suất bình quân đạt trên 10 tấn/ha và cho tổng sản lượng 183.207 tấn. Nếu so với tổng diện tích canh tác lúa và phần diện tích sản xuất mô hình nuôi tôm quảng canh ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A có thể phát triển mạnh mô hình trồng màu thì diện tích sản xuất rau màu của tỉnh hiện nay rất khiêm tốn. Trong khi đó, sản xuất rau màu đã được xem là một trong những cây trồng góp phần xóa nghèo, nhất là phù hợp với những hộ nông dân ít đất, vì chỉ cần 2 - 3 công đất sản xuất màu là có thể tạo được việc làm, thu nhập hàng ngày. Mô hình hiệu quả này đã được chứng minh ở nhiều địa phương như: xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long), thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi)…

So với những năm trước đây, mô hình sản xuất rau màu hiện đã được nâng chất và bước đầu hình thành nên những mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất theo hướng sạch. Điển hình như hộ ông Dương Văn Vui (xã Vĩnh Thanh), với 700m2 sản xuất rau cần nước trong nhà lưới, mỗi tháng ông thu về hơn 1 tấn rau và lãi hơn 5 triệu đồng. Theo ông Vui, với mô hình sản xuất này, một năm gia đình ông thu hoạch 6 vụ (2 tháng cắt một lần) và được thương lái trong, ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm. Ưu điểm của mô hình trồng rau cần trong nhà lưới chính là không bị sâu bệnh gây hại nên không cần phải sử dụng phân hóa học mà chỉ sử dụng vi sinh tạo ra sản phẩm sạch. Do vậy, các chợ đầu mối ngoài tỉnh, nhất là TP. Hồ Chí Minh rất ưa chuộng. Tuy nhiên, cây rau cần của xã Vĩnh Thanh lại không xây dựng được thương hiệu và thiếu sự đầu tư để hình thành nên những vùng chuyên canh ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể là diện tích trồng rau cần trong nhà lưới ở xã này hiện nay chưa đến 0,5ha, vì nông dân không có vốn đầu tư và đến nay HTX Sản xuất rau cần 8/3 của xã vẫn chưa được đầu tư để xây dựng điểm giao dịch mua bán và sơ chế, đóng gói rau cần.

Sơ chế rau cần nước và thải phế phẩm thẳng xuống kênh thủy lợi ở xã Vĩnh Thanh. Anh: L.D

NÔNG DÂN “TỰ BƠI”!?

Phải khẳng định rằng, nguyên nhân dẫn đến các tiềm năng, thế mạnh từ sản xuất rau màu chưa được phát huy chính là ngành quản lý và các địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển cây màu, chưa xây dựng được các chính sách và kế hoạch chiến lược cho cây màu phát triển. Cụ thể, TP. Bạc Liêu từ lâu được ví như “vành đai xanh” với diện tích sản xuất rau màu lớn nhất tỉnh (diện tích gieo trồng gần 5.000ha), thế nhưng cây màu vẫn chưa thể giúp nông dân làm giàu. Có những thời điểm nông dân thu hoạch xong rồi đem đổ xuống ao, hay “trắng tay” vì nước ngập mà nguyên nhân chính là ngành quản lý chưa có những giải pháp để đảm bảo cho cây màu phát triển bền vững. Theo ông Lâm Vĩnh Chân, Phó trưởng phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu: “Một trong những khó khăn và bất cập trong sản xuất rau màu trên địa bàn TP. Bạc Liêu lâu nay chính là chưa xây dựng được quy hoạch cho vùng chuyên sản xuất rau màu”.

Những bất cập trên đã kéo theo hàng loạt hệ lụy làm cho sản xuất rau màu luôn bấp bênh và không thể phát huy những lợi thế, giá trị vốn có. Bởi không có quy hoạch nên dẫn đến không sản xuất tập trung, không tạo ra lượng hàng hóa lớn, nhất là không sản xuất ra cái thị trường cần và luôn đẩy nông dân vào cảnh trúng mùa rớt giá. Đặc biệt, không có quy hoạch sẽ không thu hút được các dự án đầu tư về phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi nên muốn sản xuất ra rau sạch hay rau an toàn là không dễ, nhất là không thể thực hiện được lịch thời vụ theo khuyến cáo.

Muốn sản xuất rau sạch thì nông dân phải xuống giống đồng loạt, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng chung nguồn nước tưới. Trong khi hiện nay, nông dân nào cũng tự làm, tự thu hoạch và rửa rau ngay trên con các con kênh thủy lợi đã bị ô nhiễm từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho cây màu không chứng minh được nguồn gốc sạch, không xây dựng được nhãn hiệu tập thể và đủ tiêu chuẩn để đưa vào các siêu thị.

Bên cạnh đó, việc thiếu quy hoạch còn tạo nên “rào cản”, không thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng các nhà máy chế biến, vì chẳng có doanh nghiệp nào lại liều lĩnh đầu tư hàng chục tỷ đồng vào một địa phương mà nơi đó không có quy hoạch sản xuất!? Kéo theo đó là nạn ô nhiễm môi trường cho quá trình sản xuất tạo ra, nhất là các phế phẩm thải thay vì tận dụng làm thức ăn cho chăn nuôi (như việc sơ chế rau ở các xã vùng ven TP. Bạc Liêu và rau cần nước ở huyện Phước Long đều thải trực tiếp xuống các con kênh thủy lợi).

Xuất phát từ những bất cập trên mà nhiều loại rau màu được sản xuất theo quy trình an toàn và được công nhận là sản phẩm sạch như: măng tây, hẹ, ngò rí, cải rổ vẫn chưa thể chen chân vào các siêu thị, thậm chí có những loại rau màu đã xây dựng được chứng nhận nhãn hiệu và cấp chỉ dẫn địa lý nhưng nhanh chóng “chết yểu”, việc giải thể HTX sản xuất ngò rí ở xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) là một minh chứng. Và đến nay, đầu ra của rau màu vẫn là do bản thân người nông dân “tự bơi”. Đã qua hàng chục năm, việc xây dựng điểm bán rau sạch cho nông dân vẫn chỉ là những lời hứa suông hay chỉ là kế hoạch nằm trên giấy!?

CẦN LIÊN KẾT “BỐN NHÀ”

Một trong những nút thắt làm cho rau màu chưa phát huy hiệu quả chính là ngành quản lý chưa xây dựng được mối liên kết “bốn nhà”. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp gần như không có! Nghĩa là bản thân người nông dân phải tự lo từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra, điều này đã làm cho nông dân gần như “đuối sức” và không thể tập trung sản xuất hàng hóa lớn. Như HTX Dịch vụ nông nghiệp - thương mại tổng hợp Hộ Phòng (TX. Giá Rai) áp dụng mô hình trồng rau an toàn (thủy canh) từ năm 2017, nhưng chỉ sau một năm hoạt động phải tạm ngưng, vì không có đất và thiếu vốn. Ông Trần Hùng Cường, thành viên HTX, cho biết: “Hiệu quả mang lại từ rau màu rất cao và sản phẩm làm ra đều được thị trường tiêu thụ hết. Tuy nhiên, do HTX không có sức sản xuất nên phải tạm ngưng hơn một năm nay. Hiện HTX đang khôi phục và mượn đất của Giám đốc HTX để sản xuất lại nhưng cũng chỉ làm được vài trăm mét vuông. Kinh nghiệm sản xuất chủ yếu là của cá nhân và HTX phải tự lo phần hạt giống mua từ bên ngoài chứ chưa có sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp hay nhà khoa học”.

Còn đối với HTX sản xuất rau màu Đoàn Kết (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) thì luôn gặp khó khăn về vốn. Ông Nguyễn Minh Đạo, Giám đốc HTX Đoàn Kết, nói: “Đến nay HTX vẫn phải thuê mặt bằng để kinh doanh và luôn thiếu vốn, vì không có tài sản thế chấp nên không thể vay vốn từ các ngân hàng. Hiện HTX góp vốn điều lệ được 100 triệu đồng và với số vốn này thì không đảm bảo cho hoạt động. Vì vậy, HTX kiến nghị UBND TP. Bạc Liêu cần giới thiệu các doanh nghiệp vào liên kết với HTX để tiêu thụ sản phẩm và tạo thêm nguồn lực cho HTX phát triển”.

Có thể thấy, thiếu vốn đầu tư là một trong những nguyên nhân gây khó cho sự phát triển các mô hình sản xuất rau màu theo hướng sạch hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thành, cho biết: “So với sản xuất truyền thống, mô hình trồng rau màu trong nhà lưới mang lại hiệu quả khá cao, vừa giảm chi phí đầu tư về vật tư nông nghiệp, vừa ít sâu bệnh gây hại. Mô hình này cần vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng các khung sắt để làm nhà lưới. Tuy nhiên, phần lớn nông dân đều không có vốn nên cần sự đầu tư của ngân hàng hay liên kết với doanh nghiệp thì mô hình này mới phát triển và nhân rộng”.

Với thực trạng như hiện nay, thiết nghĩ ngành Nông nghiệp và các địa phương cần có ngay các giải pháp chiến lược cho phát triển rau màu, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu thì việc nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích là cần thiết. Muốn vậy, giải pháp mang tính tiên phong hiện nay là ngoài quy hoạch, tái cơ cấu lại các sản phẩm chủ lực, cần phát huy cho được vai trò của doanh nghiệp và cả mối “liên kết bốn nhà”.

LƯ TRUNG

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ được hưởng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển và đẩy mạnh liên kết sản xuất với nông dân, từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ được hưởng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước.

Theo quy định, doanh nghiệp được nhận ưu đãi và hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư.

Các doanh nghiệp trên sẽ được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở; cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp (đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư) được Nhà nước giao đất hoặc được chuyển mục đích đất để làm nhà ở cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Luật Đất đai, được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất được chuyển mục đích để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án; được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi.

Để giúp các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp cận được nguồn vốn, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành với mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ.

ĐỂ RAU SẠCH VÀO SIÊU THỊ

Mặt hàng rau cải ngoài tỉnh được bán tại Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu.

* Ông Huỳnh Thanh Điền, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu: Nông dân phải chứng minh được rau sạch

Với thế mạnh trong sản xuất rau màu, việc đưa sản phẩm rau màu của tỉnh vào các siêu thị là cần thiết. Tuy nhiên, muốn làm được việc này, nông dân ít nhất phải sản xuất và chứng minh được rau sạch, phải có thương hiệu và được đóng gói bao bì.

Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho nông dân bán sản phẩm không chỉ ở siêu thị mà còn bán sang các địa phương khác.

Tuy nhiên, với sức mua như hiện nay, siêu thị không thể thu mua hết sản phẩm cùng một loại cho nông dân nếu thu hoạch cùng một ngày. Do vậy, nông dân cần tính đến việc thu hoạch xen kẽ từng loại theo mô hình trồng xen, nhằm tạo ra sự đa dạng của sản phẩm. Ngoài ra, với nguồn nhân lực có hạn, các HTX sản xuất rau màu phải tổ chức các đội thu mua và cung cấp hàng cho siêu thị.

* Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó trưởng phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu:​ Cần xây dựng điểm bán rau sạch cho người tiêu dùng

Để phát huy giá trị kinh tế từ rau màu và giúp cho nông dân tăng thu nhập, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh và một số địa phương có thế mạnh về sản xuất rau màu xây dựng điểm bán rau sạch để thu hút người tiêu dùng. Đồng thời, góp phần quảng bá thương hiệu cho rau màu của tỉnh mà TP. Bạc Liêu được xem là trung tâm sản xuất rau màu.

Thế nhưng, đến nay TP. Bạc Liêu vẫn chưa xây dựng được điểm bán rau sạch cho người tiêu dùng. Vì vậy, để rau màu phát triển, cần xây dựng các điểm bán rau sạch mà đầu tiên là tập trung làm tốt công tác quy hoạch sản xuất và hướng đến đưa rau màu vào hệ thống các siêu thị bên cạnh các điểm bán rau sạch ở các chợ truyền thống.

K.T (lược ghi)

 

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.