Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ Sáu, 25/10/2019 | 16:21

Với vị trí nằm giáp biển, Bạc Liêu được đánh giá là một trong những địa phương chịu tác động sâu sắc từ biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là triều cường dâng và xâm nhập mặn. Đây thật sự là thách thức cho phát triển bền vững khi thế mạnh kinh tế của Bạc Liêu là sản xuất nông nghiệp.

Nông dân xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân) cắt bỏ lúa lép do ảnh hưởng xâm nhập mặn.

ẢNH HƯỞNG NẶNG NỀ

Xuất phát từ vị trí địa lý nằm tiếp giáp với biển Đông, có hệ thống sông ngòi chằng chịt ăn sâu vào hệ thống kênh nội đồng cùng với địa hình tương đối thấp (cao độ bình quân từ 0,2 - 1,3m so với mực nước biển), nên Bạc Liêu rất dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng và các thiên tai khác như bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán…

Thực tế những năm gần đây cho thấy, tác động tiêu cực từ BĐKH đã diễn ra khá nhanh và ngoài khả năng dự báo. Đó là tình trạng triều cường ngày càng tăng và lấn sâu vào khu vực nội địa, gây ngập úng nhiều nơi ở các địa phương vùng ven biển và cả khu vực nội ô TP. Bạc Liêu.

Bên cạnh đó, tình hình xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái ở vùng ngọt khu vực sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A; đồng thời tạo nên nhiều áp lực trong chỉ đạo phát triển sản xuất.

Một trong những tác động tiêu cực đáng quan tâm từ BĐKH là nguồn tài nguyên nước bị ảnh hưởng nặng nề. Với việc thay đổi lượng mưa và phân bố mưa các vùng kéo theo hàng loạt những thay đổi về dòng chảy của các dòng sông, kênh, rạch, làm tăng tần suất và cường độ lũ, hạn hán, nhiệt độ. Vào mùa khô, nếu kết hợp với nước biển dâng thì có khả năng gây ra tình trạng thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng, làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, gây khó khăn cho đời sống nhân dân. Theo dự báo, với việc nguồn nước từ thượng nguồn đổ về ít hơn mọi năm, mùa mưa kết thúc sớm, vụ lúa đông xuân của tỉnh năm nay sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn, trong đó khả năng thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng là rất lớn.

Ảnh hưởng của BĐKH không chỉ tác động trực tiếp đến phát triển sản xuất, mà còn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sinh kế của người dân. Đơn cử như mực nước biển dâng sẽ dần dần thu hẹp không gian sống của người dân, nhiều người mất chỗ ở và gặp khó khăn trong sinh kế, đặc biệt là người dân sống khu vực ven biển như: huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình và TP. Bạc Liêu.

Theo kịch bản BĐKH của tỉnh, nếu mực nước biển dâng 30cm thì số dân trong tỉnh bị ảnh hưởng về chỗ ở khoảng 553.245 người, chiếm 74,45% tổng dân số toàn tỉnh. Trong đó, huyện có dân số bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Hải với 143.774 người (100% dân số).

Người dân huyện Vĩnh Lợi bơm nước cứu lúa do ảnh hưởng mưa lớn và triều cường dâng.

CẢ CỘNG ĐỒNG PHẢI CHUNG TAY ỨNG PHÓ

Để chủ động ứng phó, thích nghi với BĐKH, hướng đến “sống chung” và phát triển bền vững, tháng 8/2019, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 7; tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Đó là nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất trong toàn xã hội về nhận thức và hành động trước tác động của BĐKH, thiên tai cực đoan, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường gia tăng đang trở thành nguy cơ đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, đời sống nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước.

Bên cạnh đó, cần đặt yêu cầu về phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; bởi môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với BĐKH. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Song song đó, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về ứng phó với BĐKH; sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Phòng chống thiên tai năm 2013, Luật Đê điều năm 2006, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010... theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bổ sung các quy định mới nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Triều cường gây ngập cục bộ ở nội ô phường 3 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

Khẩn trương thể chế hóa và triển khai thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Rà soát, bổ sung và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược về ứng phó với BĐKH; Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hoàn thiện cơ chế để thực hiện minh bạch hóa trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản và tài nguyên nước. Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương. Hạn chế tối đa các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các dự án phát triển kinh tế sử dụng lãng phí, khai thác không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát thải nhiều chất ô nhiễm, hủy hoại cảnh quan, sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là vùng đầu nguồn nước, khu dân cư, vùng ven biển. Tăng cường nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với BĐKH.

TÚ ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.