Chương trình kết nối cung - cầu: Phát triển chuỗi cung ứng hàng nông sản chất lượng

Thứ Hai, 10/05/2021 | 15:03

Khi sản xuất ngày càng phát triển thì vấn đề tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản là yếu tố then chốt để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao giá trị hàng hóa. Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để hoạt động kết nối cung - cầu, tìm đầu ra cho nông sản đạt hiệu quả.

Thương lái thu mua lúa ở huyện Vĩnh Lợi.

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

Thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều nghị quyết, chương trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, toàn diện lĩnh vực nông nghiệp theo hướng hiện đại, xanh, sạch, đa dạng và bền vững. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực, có tính đặc trưng vùng miền như: gạo Tài nguyên, tôm sú, tôm thẻ, gạo Một bụi đỏ, bắp, muối thực phẩm chất lượng cao… để tiêu chuẩn hóa nhằm phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, ứng với chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đây là nền tảng quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, cải thiện mức sống của người nông dân, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu nông sản, các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trong tỉnh đã cơ bản ý thức được vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm. Với yêu cầu thực tế hiện nay, người sản xuất chuyên nghiệp phải biết nâng cao năng lực sản xuất để có những sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đặc biệt là chú ý đến vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm, có truy xuất nguồn gốc. Theo đó, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đã tập trung phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, thói quen của người sản xuất trong việc tạo ra các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quy định về an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng đưa ra của các kênh tiêu thụ.

Ông Trần Thanh Ngân (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Kể từ khi áp dụng mô hình tôm sạch - lúa an toàn thì bà con nông dân đã ý thức hơn trong việc chọn mua các dòng sản phẩm phân, thuốc phục vụ quá trình canh tác lúa. Chính vì vậy, môi trường canh tác luôn đảm bảo an toàn, ít ảnh hưởng đến sức khỏe nông dân. Càng vui hơn khi sản phẩm làm ra luôn được thu mua với giá khá cao và an toàn cho người sử dụng”.

Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: C.L

LỢI ÍCH TỪ KẾT NỐI CUNG - CẦU

Kết nối cung - cầu trong sản xuất và tiêu thụ nông sản sẽ góp phần hình thành các chuỗi giá trị hàng hóa khép kín. Qua hoạt động kết nối cung - cầu, doanh nghiệp tăng doanh thu và quảng bá được thương hiệu; người sản xuất có đầu ra ổn định; người tiêu dùng mua được hàng hóa chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đó là những lợi ích mà các chương trình hợp tác thương mại kết nối cung - cầu giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh bước đầu tạo dựng được trên thị trường.

Thời gian qua, Sở NN&PTNT Bạc Liêu đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các cơ quan truyền thông tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp cả trong và ngoài tỉnh, nhất là các sản phẩm nông sản đặc trưng và sản phẩm trong các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Quan tâm tranh thủ thực hiện các hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu và bày bán sản phẩm thông qua các hội nghị, hội thảo các cấp do ngành Nông nghiệp chủ trì và phối hợp với các hệ thống siêu thị, cửa hàng và đơn vị liên quan tổ chức. “Thông qua các hoạt động hỗ trợ, kết nối sản xuất - tiêu thụ đã giúp nhiều công ty, doanh nghiệp, nhà sản xuất tìm được thị trường, mở rộng sản xuất - kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển nông nghiệp ổn định, an toàn, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Nhiều sản phẩm của Bạc Liêu đã khẳng định được uy tín, thương hiệu và vị trí trên thị trường trong, ngoài nước”, ông Khiếu Văn Công - Tổng Giám đốc Công ty Quốc Tế Gia, chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn khó khăn nhất định trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm an toàn. Ðặc biệt là tình trạng người dân chưa tiếp cận được với các cơ sở sản xuất an toàn, trong khi cơ sở sản xuất lại gặp khó khi tiếp cận thị trường, chưa có đối tác làm ăn lớn, đầu mối tiêu thụ hàng hóa chưa nhiều. Sản phẩm thực phẩm được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và dán tem truy xuất nguồn gốc trên địa bàn còn khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh. Tình trạng sản xuất “cung vượt cầu, dư cung lớn” vẫn xảy ra gây khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm…

Có thể thấy, với những hoạt động kết nối cung - cầu, tạo đầu ra cho nông sản thời gian qua đã phần nào là cánh tay nối dài đưa sản phẩm nông sản của tỉnh vươn ra thị trường, ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước, thị trường ngày càng mở rộng, chen chân vào được một số nhà phân phối khó tính. Đây là mắt xích quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân bắt tay chặt chẽ hơn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản, đưa nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững, đem lại giá trị đúng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

SONG NGUYÊN

Ông Huỳnh Quốc Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho rằng: “Để thực hiện được mục tiêu liên kết sản xuất - tiêu thụ một cách bền vững, cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan làm công tác chuyên môn, xúc tiến thương mại, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất - kinh doanh và các doanh nghiệp thu mua, phân phối nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung”.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.