Đẩy mạnh liên kết vùng, ổn định đầu ra cho nông sản

Thứ Sáu, 17/09/2021 | 13:50

Không phải chỉ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ thì vấn đề tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mới được lãnh đạo các địa phương và các bộ, ngành Trung ương đặt lên bàn nghị luận. Trước đó, bài toán liên kết vùng, xây dựng chuỗi, hình thành vùng chuyên canh… đã nhiều lần được đưa ra bàn thảo.

Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty Tôm Việt (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu).

Cần nhìn nhận vai trò thương lái

Câu chuyện “giải cứu” nông sản đã không còn quá lạ lẫm đối với người tiêu dùng. Cứ mỗi khi đến vụ thu hoạch mà không tìm được đầu ra, thương lái ngừng thu mua thì nhiều người sẽ đứng ra “giải cứu”. Đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam vào đúng thời điểm nhiều địa phương, trong đó có khu vực ĐBSCL bước vào mùa thu hoạch nông sản. Khó khăn chồng chất khi thị trường xuất khẩu thu hẹp, tiêu thụ trong nước chật vật, từ vụ nhãn đến vụ khoai, vụ cá…, nông dân hầu như không tìm được lối thoát.

Tại buổi tọa đàm “Kết nối cung - cầu nông, thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh”, hầu hết các đại biểu tham dự đều nhất trí cho rằng sự kết nối của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và vai trò của thương lái là hai vấn đề cần tư duy lại trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản của vùng. Bởi lâu nay, trong quy hoạch vùng và cả quy hoạch riêng của từng địa phương, vai trò của thương lái chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đây lại là lực lượng có vai trò rất quan trọng, tham gia trực hoặc gián tiếp vào hoạt động sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An - Đinh Thị Phương Khanh cho rằng: “Khi thương lái rút khỏi thị trường đã tác động rất lớn đến lưu thông hàng hóa. Nhiều mặt hàng không tìm được đầu ra dẫn đến ùn ứ, mất giá, trong khi nhiều nơi lại không có nguồn cung dẫn đến sự đứt gãy cục bộ trong tiêu thụ nông sản, và làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và sinh kế của nông dân”.

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Chính phủ bàn về giải pháp thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Cao Xuân Thu Vân, cho biết: Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về nhân lực, nhân công và vấn đề về máy cắt, đến nay tình hình thu hoạch và tiêu thụ lúa hè thu trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng tiến độ. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành vận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân.

Nông dân huyện Phước Long tập kết rau cải để chuyển lên TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Ảnh: C.L

Liên kết vùng để phát huy nội lực

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ nay đến cuối năm, ngành Nông nghiệp cần tiêu thụ thêm 8 triệu tấn lúa, 1 triệu tấn rau và 1,7 triệu tấn trái cây các loại. Riêng trong tháng 9, các tỉnh ĐBSCL phải tiêu thụ 2 triệu tấn lúa; hàng tháng có khoảng 400.000 tấn trái cây các loại và 250.000 tấn rau cần tiêu thụ. Bên cạnh đó, các loại trái cây cần tiêu thụ theo mùa vụ hoặc xuất khẩu với sản lượng lớn cũng cần phải giải quyết đầu ra một cách hiệu quả.

Để giúp nông dân vùng ĐBSCL chủ động tiêu thụ các mặt hàng nông sản, Bộ NN&PTNT đã triển khai việc tập hợp các đầu mối sản xuất, thu mua, tiêu thụ nông sản của các tỉnh, thành; tổ chức các diễn đàn kết nối cung - cầu nông sản giữa các tỉnh sản xuất với thị trường tiêu thụ; xây dựng hình thức bán kết hợp nhiều loại mặt hàng nông sản cung ứng cho các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Trong những ngày gần đây, việc kết nối này đã phát huy được hiệu quả, góp phần rất lớn cho tiêu thụ nông sản của các địa phương.

Song song đó, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị sở NN&PTNT các địa phương lập tổ công tác của từng tỉnh để kết nối tháo gỡ các vấn đề về sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn; phối hợp với các địa phương thúc đẩy việc lưu thông, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh, thành trong khu vực, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản trong thời gian phòng chống dịch.

Ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Qua đại dịch COVID-19, ngành Nông nghiệp và cả doanh nghiệp, nông dân đều thấy rõ vai trò của việc liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng và sản xuất theo tiêu chuẩn cụ thể. Trong thời gian giãn cách xã hội, các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất có thể tìm được đầu ra dễ hơn các nông hộ sản xuất riêng lẻ. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, các địa phương cần đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp, định hướng nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và thực hiện hiệu quả công tác dự báo thị trường, sản lượng, thời điểm thu hoạch để điều tiết sản xuất - tiêu thụ hiệu quả nhất.

Để có thể thích ứng với các tình huống bất ngờ như dịch COVID-19 hay các rủi ro khác, đồng thời phát huy và trả về đúng giá trị của ngành kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL, các doanh nghiệp kiến nghị cần sớm có cơ chế đầu tư, xây dựng hệ thống kho lạnh quốc gia đặt tại các vùng nguyên liệu lớn. Chỉ có hệ thống này mới đủ sức chứa và lưu trữ sản lượng lớn các nông sản, thủy sản khi vào vụ thu hoạch và điều tiết nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo nhu cầu thị trường. “Nếu hệ thống kho lạnh được đầu tư và vận hành hiệu quả, nông dân sẽ không phải lo đầu ra cho nông sản, doanh nghiệp cũng yên tâm về nguyên liệu sản xuất, giải quyết căn cơ được tình trạng thừa, thiếu cục bộ trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản thời gian qua”, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh phân tích.

Chí Linh

-----------------------------------------

Tại tọa đàm “Kết nối cung - cầu nông, thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan cho biết: Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, đã gây ra sự chao đảo, mất cân bằng cho sản xuất - kinh doanh rõ rệt hơn những đợt dịch trước. Từ bài học thực tế, chúng ta phải xem lại tư duy liên kết vùng, tính hệ thống của vùng. Sự lúng túng thời gian qua cho thấy chúng ta đã không kết nối không gian giữa 13 tỉnh, thành ĐBSCL như một thực thể mà lại chia cắt theo địa giới hành chính. Nếu xem toàn vùng như một thực thể thì chúng ta sẽ ứng xử khác. Để thực hiện giãn cách xã hội, cần thực hiện chủ trương mỗi xã, phường là một “pháo đài” nhưng đây là “pháo đài” chống dịch chứ không phải “pháo đài” kinh tế. Thời gian tới, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần ngồi lại để cùng kiến tạo ra một không gian sản xuất - kinh doanh an toàn.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.