Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất

Thứ Hai, 05/11/2018 | 16:36

Những năm gần đây, Bạc Liêu luôn chú trọng triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất nhằm tăng năng suất và giá trị sản phẩm. Nhờ ứng dụng hiệu quả những tiến bộ KH-CN, Bạc Liêu đã có bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường (thứ hai từ trái sang) tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong bể tròn nổi của nông dân TP. Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ

Khuyến khích nghiên cứu khoa học

Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 450 đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giáo dục, môi trường, lịch sử - văn hóa… Trong đó, có nhiều đề tài, dự án được phê duyệt, chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân. Nhiều đề tài, dự án tạo ra các sản phẩm mới, công nghệ mới; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và kinh doanh.

Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh cũng dành 4 - 5% kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ trí thức làm công tác nghiên cứu khoa học được cơ quan, đơn vị tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện ý tưởng. Tỉnh cũng dành kinh phí ưu đãi (30 triệu đồng/đề tài cấp cơ sở) để các đơn vị thực hiện đề tài, khuyến khích tinh thần sáng tạo của giới trí thức trẻ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Đồng thời, hằng năm tỉnh đều đặt hàng các đề tài, dự án nghiên cứu của các nhà khoa học hàng đầu trên nhiều lĩnh vực để tạo đột phá cho những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh còn thiếu và yếu về hàm lượng KH-CN.

Ông Hồ Thanh Thủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: “Cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, chủ động hợp tác với các tổ chức KH-CN, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để nâng cao năng lực. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực KH-CN trong từng lĩnh vực, ngành nghề từ tỉnh đến cơ sở để làm lực lượng nòng cốt đưa các tiến bộ KH-CN vào đời sống, góp phần thúc đẩy nông nghiệp - nông thôn của tỉnh phát triển bền vững”. 

Đặc biệt, từ năm 2013, tỉnh được Bộ KH-CN phê duyệt 5 dự án, trong đó có 2 dự án đã hoàn thành và nghiệm thu. Đó là Dự án chuyển giao, ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời vào một số xã thuộc vùng khó khăn tại Bạc Liêu và Dự án xây dựng mô hình nuôi thủy sản nước ngọt trên vùng đất phèn nhiễm mặn. Tỉnh cũng đã phê duyệt nhiều đề tài, dự án nghiên cứu xây dựng thương hiệu cho nông sản như: Muối Bạc Liêu, gạo Một bụi đỏ Hồng Dân, mắm cá trắm cỏ Hồng Dân… Từ đó, nhiều sản phẩm của tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm.

Sự quan tâm đầu tư thỏa đáng của tỉnh trong việc nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất đã tạo bước đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các lĩnh vực khác.

Nông dân các địa phương tham quan khu trồng lúa thực nghiệm của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh. Ảnh: C.L

Đẩy mạnh Ứng dụng tiến bộ KH-CN

Hoạt động KH-CN được đổi mới theo hướng ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác nghiên cứu khoa học đã phát huy hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Nhờ vậy, 60% số nhiệm vụ KH-CN được ứng dụng, duy trì và nhân rộng, góp phần thực hiện tốt chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới; tạo giá trị sản phẩm công nghệ cao (chiếm 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh).

Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã triển khai dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm (NNƯDCNCPTT) Bạc Liêu với diện tích 418,91ha (tọa lạc trên địa bàn xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu), tổng mức đầu tư hơn 3.217 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là phát triển tôm Bạc Liêu hướng tới làm hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL và cả nước. Đồng thời làm nòng cốt, động lực để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Ngoài ra, Khu NNƯDCNCPTT Bạc Liêu là trung tâm liên kết với các viện, trường, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực tôm, tạo thành một chuỗi phức hợp từ khâu nghiên cứu sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống, đến các khâu nuôi tôm siêu thâm canh, sản xuất, chế biến, bảo quản tôm; nghiên cứu sản xuất thức ăn cho tôm; nghiên cứu, trình diễn các ngành công nghiệp phụ trợ; đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật…

Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp từ các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã đến nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư ứng dụng, chuyển giao KH-CN trong các lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã ký các bản cam kết, ghi nhớ với các doanh nghiệp của tỉnh trong việc cung cấp, chuyển giao, ứng dụng KH-CN trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Thành công nổi bật của Bạc Liêu trong lĩnh vực nông nghiệp đó là lai tạo và nhân rộng nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện tự nhiên của từng địa phương, điều kiện biến đổi khí hậu, rút ngắn thời gian sản xuất. Từ đó giảm chi phí, tăng năng suất, từng bước nâng cao nhận thức và trình độ hiểu biết của nông dân về kỹ thuật, quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cân bằng môi trường sinh thái.

Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng lúa của tỉnh là 183.023ha với tổng sản lượng 1.062.000 tấn. Không những tăng nhanh về diện tích, sản lượng, mà chất lượng lúa cũng không ngừng tăng. Cách đây 7 năm, hạt giống tốt (giống xác nhận) chỉ chiếm 20%, đến nay đã có hơn 50%/tổng diện tích của nông dân sử dụng giống xác nhận. Tỉnh cũng đã xây dựng 14 cánh đồng mẫu lớn với hơn 7.500ha trồng lúa (quy mô từ 100ha/cánh đồng trở lên), tạo vùng nguyên liệu với số lượng lớn nên rất thuận lợi cho doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT: “Việc chuyển giao, ứng dụng hiệu quả các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp đã giúp nông dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng suất và sản lượng các mặt hàng nông sản. Qua đó nâng cao đời sống người dân, góp phần phát triển triển kinh tế địa phương”.

Khôi Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.